Thứ 5, 28/03/2024 18:12:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:10, 05/07/2018 GMT+7

Cần nghiêm trị để làm gương

Thứ 5, 05/07/2018 | 08:10:00 158 lượt xem
BP - Tòa án nhân dân huyện Phú Riềng vừa đưa vụ án “Trộm cắp tài sản” đối với bị cáo Trương Thị Lý (sinh năm 1987) - một công chức của huyện ra xét xử. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Lý 6 tháng tù treo theo quy định tại Khoản 1, Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Theo hồ sơ vụ án, cuối tháng 12-2017, Trương Thị Lý đến một cơ quan ở huyện Phú Riềng để nhờ photo tài liệu. Khi đó, trên bàn của một công chức ở cơ quan này có một phong bì đựng 2 triệu đồng (tiền cán bộ, công nhân viên trong đơn vị đóng góp để đi thăm người bệnh) nhưng trong phòng không có ai. Lý liền lấy chiếc phong bì này bỏ vào tập tài liệu của mình rồi ra về. Khi phát hiện mất tiền, vị công chức kia đã làm đơn trình báo vụ việc đến Công an huyện. Tại cơ quan điều tra, Lý đã khai nhận hành vi lấy chiếc phong bì. Sau đó, nhiều người trong văn phòng cơ quan này đã trình báo với cơ quan chức năng về những vụ mất trộm tiền trước đó. Qua đấu tranh của cơ quan chức năng, Lý thừa nhận đã thực hiện trót lọt 4 vụ trộm khác với tổng trị giá 2,15 triệu đồng tại cơ quan này từ đầu năm 2017. Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ, Viện kiểm sát nhân dân huyện ra quyết định truy tố Trương Thị Lý ra trước tòa để xét xử về tội “Trộm cắp tài sản”. Được biết, ngoài 4 vụ mà Lý đã thực hiện, từ tháng 4 đến cuối năm 2017, cũng tại cơ quan này của huyện Phú Riềng đã xảy ra 6 vụ trộm khác với tổng số tiền mất trộm lên đến hơn 77 triệu đồng, nhưng hiện vẫn chưa tìm ra thủ phạm.

Có thể nói, số tiền 4,15 triệu đồng tuy không lớn về mặt giá trị, nhưng ăn trộm là hành vi vi phạm pháp luật, là sự xuống cấp về đạo đức. Cha ông ta có câu “Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt” để răn dạy mọi người tránh xa những thói hư tật xấu. Bởi chỉ một hành vi nhỏ ban đầu không được xử lý nghiêm hoặc bao che sẽ dẫn tới những hậu quả xấu. Ở đây, nếu như có sự ngăn chặn hoặc cảnh báo kịp thời sau khi Lý thực hiện hành vi trộm cắp đầu tiên, chắc sẽ không có 4 vụ trộm khác diễn ra sau đó. Vì vậy, trước khi kêu gọi thực hiện việc siết chặt trật tự kỷ cương, ngăn chặn suy thoái về đạo đức, phòng chống các hành vi phạm pháp để xây dựng xã hội văn minh, công sở an toàn thì cần phải mạnh tay nghiêm trị các hành vi vi phạm pháp luật. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nêu rõ một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống cần được ngăn chặn, đẩy lùi trong cán bộ, đảng viên, đó là “sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội; rượu chè bê tha...”. Đây là biểu hiện về nhân cách, đạo đức công vụ viên chức. Trong xã hội thì những vấn đề thuộc về nhân cách, đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức được coi là chuẩn mực tối thiểu phải có khi làm việc trong cơ quan công quyền, được trả lương bằng tiền thuế của nhân dân.

 Do vậy, một công chức, viên chức và nhất là cán bộ, đảng viên càng phải tiên phong, gương mẫu từ cách nói năng, giao tiếp và hành động đối với đồng nghiệp, với nhân dân để mọi người học tập. Hành vi trộm cắp tài sản như đã nêu là việc làm không thể chấp nhận, không còn xứng đáng là công chức nhà nước.   

N.C

  • Từ khóa
108907

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu