Thứ 5, 25/04/2024 12:41:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:25, 17/11/2016 GMT+7

Cần nắm vững nền tảng tư tưởng của Đảng

Thứ 5, 17/11/2016 | 09:25:00 6,802 lượt xem

BP - Điều 4 Hiến pháp năm 2013 xác định: Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.

Nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, điều này ai cũng biết, nhưng để hiểu sâu vì sao Đảng lại lấy đó làm nền tảng và vì sao chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch ra sức bắn phá vào nền tảng tư tưởng của Đảng thì không phải ai cũng tường tận.

Chủ nghĩa Mác - Lênin là thành tựu trí tuệ của loài người, là một học thuyết khoa học và cách mạng, gồm 3 bộ phận hợp thành là Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị Mác - Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học. Chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết cách mạng bởi chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ giải thích thế giới, chỉ ra bản chất áp bức, bóc lột, bất công của xã hội tư bản chủ nghĩa, chỉ ra con đường giải phóng triệt để giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức, là con đường đấu tranh cách mạng vô sản, trong cuộc cách mạng vô sản đó, giai cấp công nhân có sứ mệnh lịch sử là giai cấp lãnh đạo thông qua chính đảng của mình là Đảng Cộng sản; mà quan trọng hơn cả, đó còn là học thuyết giải phóng loài người.

Trên con đường tìm đường cứu nước, năm 1920, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Người nói: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”. Lý do để Người nói vậy là vì “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực thì trong nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Cách mệnh đã 4 lần rồi, mà nay công nông Pháp hẵng còn phải mưu cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức”. Ngược lại, ở cách mạng Nga, Người viết “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc Pháp khoe khoang bên An Nam...”. Hiểu một cách đơn giản, chỉ có cách mạng vô sản mới đem lại dân chủ, tự do hạnh phúc cho số đông là nhân dân lao động, còn cách mạng tư sản chỉ đem lại dân chủ, tự do cho số ít trong giai tầng xã hội (giai cấp tư sản).

Đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã lãnh đạo con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua hết thác ghềnh này đến thác ghềnh khác, thực hiện thành công cách mạng giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc và đang lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG
CỦA ĐẢNG ĐƯỢC XÁC ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?

Quá trình chuẩn bị thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng công tác huấn luyện, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin cho lớp thanh niên ưu tú và tuyên truyền vào Việt Nam. Người nhấn mạnh muốn cách mệnh thành công thì phải có Đảng cách mệnh, Đảng muốn cách mệnh thành công thì Đảng phải có chủ nghĩa làm nòng cốt, nếu Đảng không có chủ nghĩa làm nòng cốt thì cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Năm 1930, chủ nghĩa Mác - Lênin được Đảng xác định là cốt, là gốc của Đảng. Từ năm 1951 đến năm 1990 (Đại hội II đến Đại hội VI), trong các văn kiện đại hội đều khẳng định nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin.

Đến năm 1991 (Đại hội VII), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã bổ sung nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh vào nền tảng tư tưởng của Đảng. Từ Đại hội Đảng lần thứ VII đến nay, nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, phải đến 10 năm sau (2001 - Đại hội IX), lần đầu tiên Đảng mới đưa ra khái niệm đầy đủ về tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam (gồm 9 hệ thống), đồng thời nêu 3 nguồn gốc hình thành và giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh. Đến năm 2011, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển), khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh được nêu lại, về cơ bản nội hàm giống như khái niệm được nêu trong Văn kiện Đại hội IX, có điểm khác là không liệt kê 9 hệ thống và phần giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh được nhấn mạnh hơn khi thêm các trợ (bổ) từ “vô cùng” trước từ “to lớn”, thêm “và quý giá”, thêm “mãi mãi” vào trước “soi đường”. Cụ thể, định nghĩa được nêu trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển (2011) là “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”.

Trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, bài học thứ nhất trong 5 bài học được rút ra sau 30 năm đổi mới (1986-2016) nêu: Trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam.

Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch tranh thủ từng giây, từng phút để bắn phá vào nền tảng tư tưởng của Đảng, chỉ vì nền tảng đó chỉ rõ chế độ của ta là chế độ xã hội chủ nghĩa, nhân dân làm chủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì thế, để làm thất bại âm mưu của chúng, mỗi cán bộ, đảng viên và cả người dân cần nắm chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Nhật Hạ

  • Từ khóa
2544

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu