Thứ 5, 25/04/2024 03:23:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:32, 22/03/2017 GMT+7

Cần một giải pháp tổng hợp, bền vững

Thứ 4, 22/03/2017 | 09:32:00 75 lượt xem

>> Đắk Ơ vẫn “nóng” tình trạng cầm cố, sang nhượng đất

BP - Báo Bình Phước số ra ngày 20-3-2017 có bài “Đắk Ơ vẫn “nóng” tình trạng cầm cố, sang nhượng đất”, phản ánh thực trạng hiện nay một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) bán điều non, cầm cố, bán đất sản xuất. Đi tìm hiểu thêm ở một số xã của các huyện khác, chúng tôi biết cũng đang có tình trạng này. Đây là vấn đề hầu như năm nào cũng xảy ra trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh. Năm nay, do mùa điều thất thu nên việc bà con bán hoặc cầm cố đất lại tiếp tục diễn ra khá phức tạp.

Năm 2010, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 14 và đặc biệt năm 2015 UBND tỉnh có Chỉ thị số 19/2015/CT-UBND (thay thế Chỉ thị 14), có hiệu lực từ ngày 5-1-2016 về tăng cường biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Các huyện, thị và các xã cũng đã cụ thể hóa chỉ thị của tỉnh, thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát trên lĩnh vực này. Sau hơn một năm thực hiện Chỉ thị 19 tuy đã thu được một số kết quả tích cực, nhưng đến thời điểm này tình trạng cầm cố, bán đất tiếp tục tái diễn ở một số nơi. Việc bán điều non, cầm cố, bán đất của một bộ phận đồng bào DTTS rất khó chấm dứt do nhiều nguyên nhân.

Trước hết, việc mua bán điều non, cầm cố, sang nhượng đất là quan hệ dân sự trong đời sống của người dân. Các giao dịch này diễn ra giữa một bên là đồng bào DTTS thiếu hiểu biết pháp luật; một bên lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào để dụ dỗ, ép giá đến khi đồng bào không trả được thì xiết đất. Qua khảo sát tại cơ sở, hầu hết những hộ bán điều non, cầm cố, sang nhượng đất đều là gia đình khó khăn, một số do lười lao động, thích tiêu xài, mua sắm. Trong số đó, phần lớn bà con đều không biết chữ, ít hiểu biết pháp luật nên dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Hầu hết các trường hợp bán điều non, cầm cố đất, cho vay nặng lãi đều được thực hiện bằng miệng hoặc giấy viết tay, không có xác nhận của chính quyền địa phương nên khó phát hiện. Việc cho đồng bào vay tiền lãi suất cao khi đến thời điểm trả nợ không có tiền trả thì lấy đất trừ nợ đã làm nhiều hộ phải bán rẫy điều cho chủ nợ. Khi vỡ chuyện nhiều trường hợp cơ quan chức năng không đủ cơ sở pháp lý và chế tài để xử phạt.

Ai cũng biết tình trạng bán điều non, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào DTTS để lại hệ lụy rất lớn cho xã hội. Chỉ thị 19 của UBND tỉnh đã phân tích rất rõ vấn đề này, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng tổ chức rà soát, phân loại, xác định các đối tượng môi giới cho vay nặng lãi, mua điều non, xiết đất sản xuất của đồng bào DTTS và có biện pháp nghiệp vụ để răn đe, ngăn chặn, kiểm soát, hạn chế gây thiệt hại cho đồng bào. Khi phát hiện việc mua bán trái phép phải tổ chức thu hồi, địa phương nào không thực hiện nghiêm thì chủ tịch UBND huyện, thị đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Mặc dù Chỉ thị 19 bước đầu đã khắc phục được một số kẽ hở của pháp luật trong các giao dịch dân sự về bán điều non, vay lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào DTTS, nhưng một số người vẫn cố tìm cách để “lách” qua cửa hẹp này. Hầu hết các xã cũng đã tổ chức tuyên truyền, có nơi thành lập tổ công tác đến từng nhà dân vận động nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Một số cán bộ cơ sở cho rằng, đây là vấn đề rất khó chấm dứt và cần có một giải pháp tổng hợp, bền vững mới khắc phục được.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu