Thứ 5, 25/04/2024 04:25:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:18, 18/08/2017 GMT+7

Cần mạnh tay với xe đạp điện

Thứ 6, 18/08/2017 | 08:18:00 154 lượt xem

BP - Theo thống kê của Bộ Giao thông - Vận tải, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có trên 2,5 triệu xe đạp điện, xe máy điện. Chúng ta vẫn lầm tưởng việc sử dụng xe đạp điện giúp bảo vệ môi trường, giảm lượng khói bụi thải ra nhưng thực tế lại đang làm môi trường bị ô nhiễm nặng từ các tấm chì điện cực, vỏ bình ắc-quy, nước axít ngấm vào lòng đất.

Xe đạp điện chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc và có 2 loại động cơ chính: chạy bằng pin và chạy bằng ắc-quy. Các loại pin hay ắc-quy của xe đạp điện luôn chứa lượng chì rất lớn, thuộc nhóm chất thải nguy hiểm - độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Trong khi mỗi năm số lượng bình, pin thải ra môi trường gấp 3-4 lần số xe được sử dụng. Người bị nhiễm độc từ chì ảnh hưởng đến sự phát triển của não, thiếu máu, tăng huyết áp, suy thận, độc tính với cơ quan sinh sản, rối loạn hành vi dẫn đến mất phương hướng, thậm chí tử vong.

Ô nhiễm môi trường như vậy quả rất đáng lo ngại. Nhưng sát sườn hơn là chỉ còn vài ngày nữa, học sinh các cấp đồng loạt đến trường và mối lo về an toàn giao thông của xe đạp điện lại dấy lên. Bởi vì học sinh sử dụng xe đạp điện nhiều nhất. Chính vì xe đạp điện sử dụng tiện lợi, gọn nhẹ, không tốn tiền xăng và tốc độ 40-50km/giờ nên thường được phụ huynh chọn mua cho con em đi học. Trong khi đó, bên cạnh xe đạp điện sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu được Cục đăng kiểm kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật thì số xe không đạt tiêu chuẩn, xe nhập lậu, sản xuất lắp ráp chui chưa được cấp giấy chứng nhận chất lượng cũng không nhỏ. Theo đó, mối nguy hại tiềm ẩn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng người sử dụng khi tham gia giao thông từ xe đạp điện rất đáng lưu tâm.

Mặc dù việc xử phạt người đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm đã được nêu rõ trong Nghị định số 34/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có hiệu lực từ năm 2010 nhưng đến nay, tình trạng học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm vẫn diễn ra rất phổ biến. Nguyên nhân chính do ý thức chấp hành quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của học sinh kém. Đồng thời, việc xử phạt của cảnh sát giao thông chủ yếu chỉ nhắc nhở nên các em... nhờn!

Nếu học sinh không đội mũ bảo hiểm lại phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng... thì không chỉ nguy cơ gây tai nạn giao thông cho các em mà còn gây họa cho phương tiện khác. Điều này rất đáng lo ngại vì học sinh vốn non nớt về tay lái, thiếu kỹ năng điều khiển phương tiện an toàn mà tốc độ tối đa của xe máy điện tương đương xe máy... Thực tế ở Bình Phước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc liên quan tới xe đạp điện, xe máy điện, nhẹ thì xây xát, nặng hơn là vỡ xương làm biến dạng khuôn mặt, đa chấn thương, giập não, gãy chân, tay..., đau lòng nhất là tử vong, báo chí đã đưa tin rất nhiều thời gian qua.

Từ những mối lo đó, lực lượng cảnh sát giao thông nên xử lý nghiêm những học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm. Sau khi xử lý có thông báo gửi về các trường làm cơ sở uốn nắn, nhắc nhở kịp thời để học sinh sửa chữa hành vi. Mặt khác, các trường cần phối hợp với hội cha mẹ học sinh để ký cam kết cùng giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho con em. Nghiêm khắc để tốt hơn cho các em, vì chính tương lai của thế hệ trẻ là việc nên làm, cần làm ngay.

An Nhiên

  • Từ khóa
108701

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu