Thứ 5, 25/04/2024 23:36:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:50, 15/11/2017 GMT+7

Cần “liều thuốc đặc trị”

Thứ 4, 15/11/2017 | 07:50:00 141 lượt xem

BP - Ngày 10-11-2017, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt hành chính 100 triệu đồng đối với Công ty TNHH Jiawei (Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc), nằm trên địa bàn xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, vì có hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đồng thời, buộc công ty này phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do công ty gây ra và trả chi phí phân tích mẫu môi trường cho đơn vị có liên quan. Điều đáng quan tâm là thời gian gần đây không chỉ công ty này mà nhiều đơn vị khác cũng đã vi phạm, thậm chí tái vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo báo cáo của Công an tỉnh với đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh ngày 8-11, trong năm 2017, các loại tội phạm vi phạm pháp luật ở hầu hết lĩnh vực đều giảm về số vụ cũng như số đối tượng. Tuy nhiên vẫn còn 2 lĩnh vực tăng cao so với năm 2016, đó là tội phạm và tệ nạn ma túy, tăng 11 vụ và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tăng 70 vụ. Số vụ vi phạm, tái vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường thời gian gần đây diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận. Câu hỏi đặt ra là tại sao việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đã bị xử phạt nhưng số vụ vi phạm vẫn tăng? Phải chăng việc xử phạt chưa đủ “liều lượng” nên người ta không sợ. Và nếu cứ như vậy thì chuyện “lờn luật” là khó tránh khỏi.  

Trong chương trình thời sự chiều 10-11-2017, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước phát phóng sự phản ánh việc người dân thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú đang phải sống trong tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng do một doanh nghiệp gây ra. Điều đáng nói là công ty này dù đã bị buộc ngừng hoạt động nhưng vẫn ngang nhiên thực hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường. Người dân cho rằng, có thể do ngành chức năng giải quyết không dứt điểm dẫn tới doanh nghiệp này coi thường pháp luật, tiếp tục tái vi phạm.

Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội. Trên địa bàn tỉnh hiện nay, mối lo về tình trạng xả thải của các nhà máy tại các khu công nghiệp, nhà máy chế biến mủ cao su, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; cùng với đó là rác thải của các bệnh viện, cơ sở y tế, rác thải khu dân cư tự chôn lấp... là rất lớn. Theo báo cáo của ngành chức năng, tại một số công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, việc bảo vệ môi trường vẫn còn tình trạng tự xử lý, hoặc lén xả thải ra môi trường. Tại buổi tọa đàm “Thực trạng và giải pháp đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức ngày 27-3-2017, có đại biểu đề nghị, để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường ở các khu công nghiệp thì trước khi cấp phép tỉnh cần xem xét ưu tiên những ngành công nghiệp sạch, ít gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm cơ cấu ngành nghề phù hợp với khả năng và thực tế giải quyết ô nhiễm của địa phương.

Đồng thời, các cơ quan chức năng kiên quyết không cấp phép cho công ty, đơn vị sản xuất, chế biến hoạt động nhỏ lẻ trong các khu dân cư. Ngành tài nguyên - môi trường của tỉnh cần đánh giá toàn diện thực trạng cũng như mức độ ô nhiễm môi trường trên địa bàn, nhằm xem mức độ ô nhiễm đã và đang xảy ra, từ đó lập bản đồ về tình hình ô nhiễm và có những giải pháp trọng tâm, trọng điểm để xử lý. Thực tế thời gian qua cho thấy, việc xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chưa đủ mạnh nên đang rất cần một “liều thuốc đặc trị”.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu