Thứ 6, 19/04/2024 19:25:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 10:34, 11/06/2013 GMT+7

Cần làm rõ trách nhiệm quản lý đất đai

Thứ 3, 11/06/2013 | 10:34:00 68 lượt xem

* Nội dung của Điều 83 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là những quy định về bố trí tái định cư cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở. Cụ thể, tại Khoản 1 của điều này có quy định như sau: 1. Tổ chức phát triển quỹ đất được ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh giao trách nhiệm bố trí tái định cư phải thông báo cho từng hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất thuộc đối tượng phải di chuyển chỗ ở về dự kiến phương án bố trí tái định cư và niêm yết công khai phương án này tại trụ sở của đơn vị, trụ sở UBND cấp xã nơi có đất bị thu hồi và tại nơi tái định cư trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án bố trí tái định cư; nội dung thông báo bao gồm: địa điểm, quy mô quỹ đất, quỹ nhà tái định cư, thiết kế, diện tích từng lô đất, căn hộ, giá đất, giá nhà tái định cư; dự kiến bố trí các hộ gia đình, cá nhân vào tái định cư. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì cụm từ “thuộc đối tượng phải di chuyển chỗ ở” trong khoản này vừa thừa mà lại vừa khó hiểu. Vì vậy, tôi đề nghị trong cụm từ trên cần lược bỏ hai từ “đối tượng” và thay và đó bằng từ “diện” cho rõ nghĩa và dễ hiểu, dễ thực thi. Như vậy, cụm từ trên được viết lại như sau: “thuộc diện phải di chuyển chỗ ở”.

* Điều 95, của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có hai khoản như sau: 1. Nhà nước cấp Giấy chứng nhận cho những trường hợp sau đây trừ các trường hợp quy định tại Khoản 2 điều này:.. 2. Nhà nước không cấp Giấy chứng nhận cho những trường hợp sau đây:... Theo ý kiến của tôi, quy định như trên tuy không sai, nhưng xét về lôgic ngôn ngữ thì không phù hợp và lại dài dòng. Thứ nhất là ở Khoản 1 cần lược bỏ từ “cho” và cụm từ “trừ các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này” và chỉ cần viết như sau: 1. Nhà nước cấp Giấy chứng nhận cho những trường hợp sau đây là vừa đầy đủ lại gọn gàng. Bởi vì ngay sau cụm từ “sau đây” trong dự luật đã liệt kê toàn bộ những trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hơn nữa, ngay trong nội dung của Khoản 2 cũng lại liệt kê tất cả những trường hợp không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thứ hai là từ “cho” được sử dụng trong Khoản 2 là thừa, nếu Khoản 2 được đảo ngữ lại như sau: Những trường hợp sau đây không được Nhà nước cấp giấy chứng nhận. Từ phân tích trên, tôi đề xuất Khoản 1 và Khoản 2 của Điều 95 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần được viết lại như sau: 1. Nhà nước cấp Giấy chứng nhận cho những trường hợp sau đây:... 2. Những trường hợp sau đây không được Nhà nước cấp giấy chứng nhận.

* Nội dung của Điều 202 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định về trách nhiệm của chủ tịch UBND các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai. Điều này có hai khoản, với những quy định như sau: 1. Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương. 2. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện và áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm. Theo tôi thì nội dung quy định về trách nhiệm của chủ tịch UBND các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai đã có trong Luật Đất đai cũ (Điều 143), nay nội dung này vẫn được giữ nguyên và đưa vào Điều 202 trong dự thảo.

Vấn đề đặt ra ở đây là thực tế từ nhiều năm nay, mà cụ thể là từ khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành đến nay, quy định này không có hiệu quả thực thi cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khiếu kiện nhiều và kéo dài là vì vi phạm về đất đai vẫn tiếp tục tăng cao, chiếm đến khoảng 70% các vụ khiếu kiện. Do đó, quy định này cần phải thay đổi cho phù hợp với thực tế hiện nay của đất nước. Do đó, tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung của Điều 202 trong dự thảo như sau: Trách nhiệm của chủ tịch UBND các cấp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai: 1. Chủ tịch UBND các cấp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ chịu trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai của cấp dưới mình quản lý trực tiếp. 2. Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời những vi phạm về đất đai của cán bộ cấp xã và công dân.

Hoàng Nhật (Thị trấn Đức Phong, Bù Đăng)

  • Từ khóa
108220

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu