Thứ 6, 19/04/2024 21:15:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 15:33, 15/05/2013 GMT+7

Cần khuyến khích và trọng dụng nhân tài

Thứ 4, 15/05/2013 | 15:33:00 122 lượt xem

* Nội dung của Điều 61 (sửa đổi, bổ sung Điều 55, Điều 56) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định như sau: 1. Tổ chức, cá nhân được khuyến khích, tạo điều kiện để tạo việc làm, có thu nhập thỏa đáng cho người lao động. 2. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định. Theo suy nghĩ của tôi thì nội dung của hai khoản trong điều 61 như trên là đúng, nhưng chưa đầy đủ, chưa phù hợp với tình hình thực tế ở nước ta hiện nay. Vì từ nhiều năm nay, nguồn chất xám ở khu vực nhà nước đã và đang bị mất dần. Vì chế độ đãi ngộ nhân tài, chính sách tiền lương không phù hợp nên đã buộc không ít người có trình độ chuyên môn cao, có năng lực quản lý và điều hành giỏi đã bỏ cơ quan nhà nước để chuyển sang làm cho các đơn vị tư nhân. Do đó, chất lượng và hiệu quả giải quyết công việc ở nhiều cơ quan nhà nước hiện nay không cao. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quan liêu, tham nhũng và những hành vi tiêu cực khác trong nhiều cơ quan công quyền.


Lễ tuyên dương, khen thưởng học sinh, sinh viên xuất sắc được tỉnh tổ chức hàng năm nhằm động viên, khích lệ các em trở về phục vụ cho tỉnh - 
Ảnh: B.T

Từ phân tích trên, tôi đề xuất ở Điều 61 cần bổ sung thêm khoản mới (Khoản 3) với nội dung như sau: “3. Nhà nước có chính sách khuyến khích và trọng dụng nhân tài vào làm việc trong các cơ quan nhà nước”. Như vậy, Điều 61 sẽ có 3 khoản và được viết lại như sau: 1. Tổ chức, cá nhân được khuyến khích, tạo điều kiện để tạo việc làm, có thu nhập thỏa đáng cho người lao động. 2. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định. 3. Nhà nước có chính sách khuyến khích và trọng dụng nhân tài vào làm việc trong các cơ quan nhà nước.

* Tại các Điều 70, 71 và 72 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định như sau: Điều 70 (sửa đổi, bổ sung Điều 45) lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Điều 71 (sửa đổi, bổ sung Điều 46) Quân đội Nhân dân Việt Nam cách mạng được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ được xây dựng hùng hậu, rộng khắp, cùng với Quân đội Nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Điều 72 (sửa đổi, bổ sung Điều 47) Công an Nhân dân Việt Nam cách mạng được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Theo cách viết trên thì ai cũng hiểu rằng nội dung của Điều 70 là nói chung về lực lượng vũ trang nhân dân, điều 71 là quy định đối với lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam và Điều 72 là quy định riêng về lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Theo ý kiến của cá nhân tôi, để cho Hiến pháp được ngắn gọn và dễ hiểu, dễ thực hiện thì nội dung của Điều 71 và Điều 72 cần được bỏ cụm từ “cách mạng” ngay sau cụm từ “Quân đội nhân dân Việt Nam” “Công an nhân dân Việt Nam”.

Vì, nếu để cụm từ “cách mạng” ngay sau cụm từ “Quân đội nhân dân Việt Nam”“Công an nhân dân Việt Nam” không phù hợp, mà còn gượng ép. Bởi với nội dung của Điều 70 đã quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm cao cả, nghĩa vụ thiêng liêng cũng như tính tiên phong của quân đội và công an là đã đầy đủ, chặt chẽ. Hơn nữa, theo Từ điển Tiếng Việt của Nhà xuất bản Thanh niên năm 2002, thì “cách mạng” có nghĩa là: “1, Cuộc đấu tranh của giai cấp bị áp bức đứng lên lật đổ nền thống trị của giai cấp áp bức. Phá vỡ quan hệ sản xuất cũ xây dựng một chế độ mới và tiến bộ. 2, Sự phá bỏ tổ chức cũ xấu xa để dựng nên một hệ thống mới tốt đẹp: Cách mạng khoa học kỹ thuật”. Do đó, nếu để cụm từ “cách mạng” ở đây là không phù hợp.

Từ phân tích trên đây, tôi đề xuất Điều 71 và Điều 72 được viết lại như sau: 71. Quân đội Nhân dân Việt Nam được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ được xây dựng hùng hậu, rộng khắp, cùng với quân đội nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Điều 72. Công an Nhân dân Việt Nam được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

* Tại Khoản 2 và Khoản 3 của Điều 76 (sửa đổi, bổ sung Điều 85) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ghi rõ: 2. Sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khóa mới phải được bầu xong. 3. Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá mười hai tháng, trừ trường hợp chiến tranh. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là chưa chặt chẽ. Cụ thể là tại Khoản 2 của điều này có quy định: “Sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khóa mới phải được bầu xong”. Với quy định như vậy thì có nghĩa là phải đúng sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, tức là không thể hơn và cũng không thể kém thì Quốc hội khóa mới phải được bầu xong. Ở đây có thể xảy ra trường hợp là do công tác chuẩn bị cho kỳ bầu cử Quốc hội và kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới có nhiều thuận lợi và thời gian tổ chức kỳ họp phù hợp với lịch làm việc trong tuần, nên chưa tới sáu mươi ngày thì Quốc hội khóa mới đã được bầu xong. Nhưng vì chưa đến sáu mươi ngày như Hiến định thì làm thế nào? Vì vậy tôi đề xuất ở Khoản 2, Điều 76 cần được bổ sung cụm từ “trong thời hạn” trước cụm từ “sáu mươi ngày”. Như vậy, Khoản 2 của Điều 76 được viết lại như sau: “2. Trong thời hạn sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khóa mới phải được bầu xong”.

Vĩnh Hòa

 

  • Từ khóa
108208

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu