Thứ 5, 25/04/2024 01:19:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:32, 23/03/2018 GMT+7

Cần hiểu đúng về xã hội dân sự - Kỳ cuối

Thứ 6, 23/03/2018 | 08:32:00 1,088 lượt xem

Kỳ 1: Sự hình thành quan niệm về XHDS trong lịch sử

Vì sao hiện nay các tổ chức XHDS chưa được cấp phép thành lập ở Việt Nam?

Cần thống nhất nhận thức rằng, chúng ta chỉ tạm thời chưa cấp thành lập mới các tổ chức XHDS ở Việt Nam, bởi các nguyên nhân sau:

Một là, như đã trình bày ở kỳ trước, do chưa thống nhất được nhận thức về XHDS ở mục đích, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động và phạm vi tác động nên phải tiếp tục nghiên cứu, thảo luận để làm sáng tỏ thêm. Bởi vì, cũng có tổ chức XHDS hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích vì lợi ích chung của nhân dân, của đất nước; nhưng cũng có tổ chức XHDS lại hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, gây nguy hại đến an ninh quốc gia. Trong “Báo cáo thực trạng tổ chức, hoạt động của các hội năm 2014” của Bộ Nội vụ đã chỉ rõ: “Một số hội trong quan hệ đối tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO) có biểu hiện coi trọng lợi ích tài chính trước mắt, chưa chú trọng đúng mức vấn đề an ninh, chính trị của đất nước”. Hay như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cảnh báo “Các tổ chức XHDS cũng có thể bao gồm những hiệp hội có động cơ bạo lực, tham lam, lợi ích cục bộ, thù địch sắc tộc và đàn áp xã hội”. Điều đó cho thấy, các tổ chức XHDS sẽ trở nên vô chính phủ, tự phát, cơ hội nếu không có một cơ chế quản lý chặt chẽ. Chúng ta tạm thời dừng cấp phép thành lập mới các tổ chức XHDS một mặt nhằm quản lý tốt tình hình, tránh để hoạt động của các tổ chức XHDS rơi vào vòng hỗn loạn, mất kiểm soát, có thể gây phương hại tới an ninh quốc gia.

Hai là, hành lang pháp lý cho hoạt động của các tổ chức XHDS ở nước ta hiện chưa hoàn thiện, chúng ta chỉ mới có các văn bản dưới luật mà chưa ban hành được luật về hội. Vì vậy, kêu gọi thành lập các tổ chức XHDS trong khi nước ta chưa có luật về hội sẽ khiến các tổ chức XHDS hoạt động mà không có cơ sở pháp lý bảo đảm, không những sẽ rất dễ vi phạm pháp luật mà thậm chí ngay cả các hội này có thành lập cũng sẽ khó có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho chính họ.

Ba là, các tổ chức XHDS đã thành lập ở Việt Nam số lượng rất lớn, nhưng hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Trong công trình nghiên cứu “Vai trò của các tổ chức xã hội và thực trạng quy định pháp luật về tổ chức xã hội ở Việt Nam” của ThS. Nguyễn Thị Tố Uyên (Viện Nhà nước và Pháp luật - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) có nêu: Về số lượng các tổ chức xã hội ở Việt Nam, năm 2015 cả nước có 52.580 hội (498 hội hoạt động phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động phạm vi địa phương), trong đó có 8.792 hội có tính chất đặc thù. Số liệu nêu trên chưa tính tới các tổ chức tự lập của nhân dân (hội đồng hương, hội chơi cây cảnh...). Đây là những tổ chức không có tư cách pháp nhân, hoạt động chỉ thuần túy thông qua các buổi giao lưu, hội họp. Về chất lượng, báo cáo của Bộ Nội vụ đã chỉ rõ: Các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp “thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên, thành viên vẫn còn hạn chế (...), thậm chí không dám lên tiếng bảo vệ hội viên khi cần thiết, do sợ va chạm, thiếu bản lĩnh và hiểu biết luật pháp”; các hội xã hội, hội xã hội - nhân đạo - từ thiện thì  “...hoạt động chủ yếu là vận động tài trợ, quyên góp, gây quỹ; ít quan tâm đến phát triển hội viên; coi mình giống như một quỹ xã hội hơn là một hội quần chúng...”. Vì vậy, chúng ta phải tạm thời dừng cấp phép thành lập mới các tổ chức XHDS để tập trung củng cố, chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động các tổ chức xã hội hiện có.

Thực chất việc kêu gọi thành lập các tổ chức XHDS ở Việt Nam hiện nay là gì?

Vậy, thực chất kêu gọi thành lập các tổ chức XHDS ở Việt Nam nhằm mục đích gì? Các tổ chức, cá nhân nào kêu gọi thành lập tổ chức XHDS ở Việt Nam? Có thể trả lời ngay rằng, ngoài một số ít có mục đích chính đáng, thiết thực, còn lại chủ yếu, thực chất kêu gọi thành lập các tổ chức XHDS là chủ trương, mục đích nhằm thông qua tổ chức XHDS để lôi kéo, tập hợp lực lượng nhằm tuyên truyền, kích động gây rối, biểu tình, bạo loạn, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từ đó tạo cớ để các lực lượng phản động bên ngoài can thiệp, lật đổ chế độ của Việt Nam.

Nói như vậy không phải là quy chụp, vì thực tế hiện nay đã xuất hiện rất nhiều tổ chức tự phát với mưu đồ chính trị rất rõ ràng. Tiêu biểu là 2 tổ chức XHDS “Hội anh em dân chủ” và “Văn đoàn Việt Nam độc lập”. Đứng đằng sau giật dây, chỉ đạo “Hội anh em dân chủ” chính là Tổ chức khủng bố Việt Tân, thông qua đối tượng Hà Đông Xuyến - Ủy viên Trung ương Việt Tân. “Hội anh em dân chủ” là tổ chức đã lôi kéo, kích động quần chúng gây nên các vụ gây rối ở miền Trung thời gian qua như tụ tập biểu tình phản đối Formosa khi chưa được cấp phép; cản trở, gây rối trên quốc lộ 1A đoạn qua Kỳ Anh, Hà Tĩnh; đập phá trụ sở cơ quan công quyền, đánh bị thương cán bộ ở Lộc Hà, Hà Tĩnh (lời khai của Trần Thị Xuân - Phó ban điều hành “Chi hội anh em dân chủ miền Trung” tại cơ quan điều tra). “Văn đoàn Việt Nam độc lập” do Nguyên Ngọc - một nhà văn phản quốc, thành viên “Nhóm kiến nghị 72” đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kêu gọi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập - đứng ra vận động thành lập.

Trước đây, Ngô Đình Diệm cũng đặt cho đảng phát xít của mình một cái tên thật mỹ miều, thật “xã hội dân sự”: Đảng “Cần lao nhân vị”. Nhưng núp dưới cái “cần lao”, cái “nhân vị” đó là gì? Đó là đạo luật 10/1959 đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, là máy chém, là “máu chảy đầu rơi”, là “ấp chiến lược” giam cầm nhân dân miền Nam. Vì vậy, giọng lưỡi của bọn phản động, thù địch thật là lươn lẹo, “nói một đằng, làm một nẻo”, chúng kêu gọi thành lập các tổ chức XHDS ở Việt Nam vì quyền lợi của nhân dân, nhưng thực chất là phục vụ cho mục đích xấu xa của bọn chúng và bọn quan thầy: Tạo sự hỗn loạn xã hội, đẩy nước ta vào tình trạng vô tổ chức, vô chính phủ để dễ bề thực hiện “diễn biến hòa bình”, can thiệp, lật đổ chế độ.

Việc Việt Nam quản lý các tổ chức XHDS cũng là phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế. Điều 21, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 quy định: “Quyền hội họp hòa bình phải được công nhận. Việc thực hiện quyền này không bị hạn chế, trừ những hạn chế do pháp luật quy định và là cần thiết trong một XHDS, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức khỏe và đạo đức xã hội hoặc bảo vệ quyền và tự do của những người khác”. Ngay như châu Âu, nơi được coi là cái nôi của dân chủ, thì việc lập hội cũng bị nhà nước kiểm soát rất gắt gao. Điều 16, Công ước châu Âu quy định các nước tham gia cần có những hạn chế đối với hoạt động chính trị của người nước ngoài trong các trường hợp liên quan đến quyền tự do lập hội. Như vậy, một số tổ chức nước ngoài khuyến khích thành lập XHDS chính yếu chỉ là để mị dân chính quốc và thực hiện “diễn biến hòa bình” với nước ta. Trong khi lớn tiếng lên án Việt Nam vi phạm quyền “tự do”, “dân chủ” nhưng chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, phản động lại cố tình phớt lờ các quy định của luật pháp quốc tế về XHDS. Điều đó đã lột trần bộ mặt thật của chúng đối với chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

Tóm lại, XHDS là một thực tế lịch sử có quá trình phát triển, có vai trò nhất định, có thể là yếu tố tích cực nhưng cũng có thể là lực cản đối với sự phát triển của bất cứ quốc gia nào. Luật về hội cần phải được tiếp tục nghiên cứu một cách tỉ mỉ, cẩn trọng để hoạt động các tổ chức XHDS vừa được pháp luật bảo vệ, vừa bảo đảm an ninh quốc gia, lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc. Nếu tin vào lời rêu rao của các thế lực thù địch, phản động rằng: Thành lập các tổ chức XHDS chỉ hoàn toàn là một việc làm tốt đẹp vì lợi ích của nhân dân, của đất nước chính là sự ngây thơ, bởi vì tên gọi nghe có vẻ hay, nhưng thực chất chỉ là mị dân, chỉ là “hiện tượng đánh lừa bản chất” mà thôi.

Thanh Quang (Bộ CHQS tỉnh)

  • Từ khóa
2752

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu