Thứ 5, 25/04/2024 05:05:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 14:26, 31/03/2013 GMT+7

Cần hiến định chế tài bảo vệ sự trong sáng của tiếng việt

Chủ nhật, 31/03/2013 | 14:26:00 110 lượt xem

Tại Khoản 1, Điều 4 (sửa đổi, bổ sung Điều 4) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ghi: 1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân,... là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Do đó, mọi hành vi chống lại Nhà nước Việt Nam hoặc chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cũng là chống lại chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng tại Khoản 2, Điều 11 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chỉ ghi: 2. Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị theo pháp luật. Theo tôi, nếu quy định như vậy là chưa đủ và không chặt chẽ, thiếu sự thống nhất một cách đồng bộ giữa các điều trong dự thảo. Vì vậy, theo ý kiến của cá nhân tôi thì Khoản 2 Điều 11 cần được bổ sung cụm từ “Đảng Cộng sản Việt Nam” vào trước cụm từ “Mọi hành vi”. Đồng thời, thêm dấu chấm phẩy sau cụm từ “Đảng Cộng sản Việt Nam” và sau cụm từ “toàn vẹn lãnh thổ”. Và thêm cụm từ “chống lại vào trước cụm từ “Nhà nước Việt Nam”.

Như vậy, Khoản 2, Điều 11 được viết lại như sau: Mọi hành vi chống lại Đảng Cộng sản Việt Nam; chống lại Nhà nước Việt Nam, chế độ xã hội chủ nghĩa, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị theo pháp luật.

Tại Khoản 3, Điều 5 (sửa đổi, bổ sung Điều 5) có ghi: 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Theo tôi quy định như trên là đúng nhưng chưa đủ. Đặc biệt là trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày nay, ngôn ngữ nước ngoài đã bị không ít người sử dụng một cách tùy tiện trong khi nói và viết tiếng Việt. Để đảm bảo sự trong sáng của tiếng Việt, trong Khoản 3, Điều 5 cần được bổ sung thêm một câu “Các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nghiêm cấm sử dụng tiếng nước ngoài nếu tiếng Việt có từ tương ứng ngữ nghĩa” vào ngay sau câu: Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt.

Có quy định như vậy thì việc bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt mới được thực thi một cách nghiêm túc. Vì hiện nay, tiếng Việt đang bị “ngoại xâm” tới mức báo động. Các thành phố lớn, tên nhà hàng, biển quảng cáo, gói cước điện thoại, tên sản phẩm, chương trình truyền hình, thậm chí cả sách giáo khoa... đều sử dụng tiếng nước ngoài một cách vô tội vạ. Ví dụ: Quán bán nước giải khát thì viết là coffee, nhà hàng thì ghi là restaurant, khách sạn là hotel và sau hàng chữ nước ngoài là tên của nhà hàng hay khách sạn bằng tiếng Việt...; gói cước điện thoại là tomato, economy; chương trình truyền hình là game show, hotline, shopping, live show,... Còn sách giao khoa thì lấy tên là đại số & giải tích,... Chưa hết, trong giới trẻ hiện nay sử dụng tiếng Việt một cách ẩu tả, nhất là trong ngôn ngữ nhắn tin, chat với cách viết tiếng Việt không dấu, sai chính tả. Vì thế, tôi đề nghị cần hiến định về các chế tài để bảo vệ tiếng Việt.

Như vậy, Khoản 3, Điều 5 được viết lại như sau: 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nghiêm cấm sử dụng tiếng nước ngoài nếu tiếng Việt có từ tương ứng ngữ nghĩa. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.

Tại Khoản 1, Điều 15 (sửa đổi, bổ sung Điều 50) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có ghi: 1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Theo tôi thì quy định như vậy là chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo hết quyền của công dân, nhất là quyền được phép tự vệ. Thực tế cuộc sống cho thấy, các trường hợp tự vệ trong trường hợp bất khả kháng không được pháp luật bảo vệ đúng mức, làm cho tính chính nghĩa, chuẩn tắc của luật pháp phần nào bị mờ nhạt. Vì vậy, theo ý kiến của cá nhân tôi thì ở khoản này cần được bỏ cả đoạn: “Quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” và thay vào đó bằng đoạn văn như sau: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được tự bảo vệ và bảo hộ bởi pháp luật về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm”.

Như vậy, khoản này được viết lại như sau: 1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được tự bảo vệ và bảo hộ bởi pháp luật về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm.

Luật gia: Nhật Minh

  • Từ khóa
108191

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu