Thứ 7, 20/04/2024 17:13:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:52, 09/06/2016 GMT+7

Cần hàng ngàn “1 sào đất”

Thứ 5, 09/06/2016 | 07:52:00 142 lượt xem

BP - Hôm nay 8-6, hội chợ trái cây và hàng nông sản tỉnh Bình Phước lần thứ 2/2016 kết thúc. Sau 6 ngày diễn ra với 200 gian hàng trưng bày, hội chợ đã lột tả được khá rõ thực trạng manh mún và bất hợp lý trong cơ cấu ngành nông nghiệp của cả Bình Phước cũng như một số tỉnh, thành khu vực phía Nam. Minh chứng cho điều này, thứ nhất là phần lớn các gian hàng trưng bày đều của nông hộ hoặc hợp tác xã, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, ngược lại rất hiếm sản phẩm của thương hiệu lớn, doanh nghiệp lớn; thứ hai là vắng bóng sản phẩm chăn nuôi tham gia hội chợ - bởi lẽ hàng nông sản bao gồm sản phẩm của cả trồng trọt và chăn nuôi. Xin được đề cập đến “sự tiếc nuối” thứ nhất mà hội chợ lần này đã cho thấy điều đó.

Bình Phước có nhiều mặt hàng nông sản đứng trong top xuất khẩu hàng đầu cả nước, thậm chí top đầu thế giới, như cao su, hạt điều, hạt tiêu... Tuy nhiên, ngành nông nghiệp của tỉnh cơ bản vẫn sản xuất theo phương thức nhỏ lẻ, manh mún. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, nếu ngành nông nghiệp không nâng cao năng lực sản xuất, không xây dựng được thương hiệu lớn và tạo dựng uy tín sẽ rất khó trụ vững. Việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ cũng khiến đời sống nông dân bấp bênh, thu nhập không ổn định. Một thực tế đáng suy ngẫm là phần lớn cư dân Bình Phước sinh sống bằng nông nghiệp, người nghèo trong tỉnh cũng hầu hết sinh sống bằng nghề nông và họ nghèo vì chưa thể làm giàu bằng các sản phẩm thế mạnh của tỉnh.

Sản xuất manh mún còn làm cho nền kinh tế của tỉnh phát triển thiếu bền vững, khả năng cạnh tranh sản phẩm thấp hơn so với các địa phương khác và xa hơn là với các quốc gia khác. Một trong những điểm yếu lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp của Bình Phước cũng như nhiều địa phương khác đang mắc phải là chưa thực hiện được chuỗi giá trị nông nghiệp chất lượng cao. Và “thủ phạm” của điểm yếu này cũng chính là quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Nó khiến cho vốn và khoa học công nghệ đứng bên lề hoạt động sản xuất nông nghiệp của hàng vạn nhà nông.

Ngày 25-5 vừa qua, Trung tâm Giống nông lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Hợp tác xã sản xuất - thương mại - dịch vụ Nguyên Khang Garden tổ chức xuống giống mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Trung tâm Giống nông lâm nghiệp. Hai đơn vị này đầu tư 1,3 tỷ đồng để trồng rau sạch trên... 1 sào đất. Hai đơn vị này còn đầu tư 700 triệu đồng làm nhà kính để trồng dưa lưới cũng trên diện tích... 1 sào đất. Theo tính toán ban đầu, mỗi ngày 1 sào sẽ cho thu hoạch 2.000 cây rau thành phẩm (và sau 1 năm sẽ thu hồi vốn). Thông tin này hẳn sẽ đem đến niềm vui có cơ hội mua rau an toàn cho nhiều người nội trợ nhưng có lẽ nó chỉ như “muối bỏ bể” chỉ riêng với người dân thị xã Đồng Xoài.

Bình Phước cần hàng trăm, hàng ngàn “1 sào đất” như thế để phát huy lợi thế đất đai rộng rãi, phì nhiêu, khí hậu hài hòa, ao hồ, bưng bàu dày đặc - những điều kiện thuận lợi nhất đối với mọi loại cây trồng; để không phải nhập về từng bó rau, bó hoa từ Lâm Đồng, từng giỏ trái cây từ các tỉnh Tây Nguyên và miền Tây Nam bộ, trong khi người dân từ các tỉnh, thành đó lại tìm đến Bình Phước để trồng các loại cây này vì có thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi; và để Bình Phước không chỉ có những thương hiệu nông sản hàng đầu quốc gia, mà thậm chí hàng đầu thế giới.

 Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu