Thứ 7, 20/04/2024 19:30:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:46, 31/07/2015 GMT+7

Cần giải pháp căn cơ trong đào tạo nghề cho đồng bào DTTS

Thứ 6, 31/07/2015 | 08:46:00 127 lượt xem
BP - Tại kỳ họp lần thứ 12 HĐND tỉnh khóa VIII diễn ra ngày 23-7, trong báo cáo trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri của UBND tỉnh cho biết, theo chỉ tiêu phấn đấu đến hết năm 2015 có 30% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được đào tạo nghề và giới thiệu việc làm rất khó đạt. Vì đến nay, số lao động là người DTTS được đào tạo nghề mới đạt con số 17.121, chiếm 14,7%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, nhưng chủ yếu do lao động DTTS còn hạn chế trong tham gia đào tạo nghề và sự bất cập về đào tạo hiện nay. Đó là đào tạo nghề chưa bám sát nhu cầu thị trường lao động và chủ yếu là đào tạo ngắn hạn, đào tạo nghề nông thôn. Báo cáo cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, nhiều hộ đồng bào còn tâm lý ỷ lại, trông chờ, chưa chủ động vươn lên, thậm chí không muốn thoát nghèo để được hưởng các khoản hỗ trợ của Nhà nước... Theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27-11-2009, lao động được hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí và được hỗ trợ một phần tiền ăn, sách vở và dụng cụ học. Trên thực tế, nhiều lao động là người DTTS đăng ký học cho vui hoặc chỉ để được hưởng chế độ. Đặc biệt, tham gia học nghề đa phần là các hộ nghèo, phải vay tiền của ngân hàng, sau khi học xong muốn mở rộng sản xuất sẽ gặp khó khăn, vì nợ cũ chưa trả nên không vay được nguồn vốn, nguy cơ tái nghèo khó tránh khỏi. Theo kết quả thẩm tra của các ban HĐND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo DTTS trong tổng số hộ nghèo cao và ngày càng tăng (3.990 hộ nghèo là đồng bào DTTS, chiếm 47,03% tổng hộ nghèo toàn tỉnh).

Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Trường Sơn cho biết, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách ưu đãi và khuyến khích đầu tư cho doanh nghiệp và nhà đầu tư về đào tạo nghề. Theo đó, doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hoạt động hoặc chuẩn bị hoạt động nếu có nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề sẽ được tỉnh hỗ trợ kinh phí để đào tạo nghề cho người lao động. Doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ phối hợp cơ sở đào tạo xây dựng quy trình công nghệ của doanh nghiệp. Giáo viên giảng dạy là cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp cùng với giáo viên các cơ sở dạy nghề thực hiện. Đây là mô hình rất hiệu quả, được các doanh nghiệp đồng ý phối hợp thực hiện và đang triển khai nhân rộng. Điển hình như: Công ty TNHH MTV cao su Sông Bé phối hợp Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp - dạy nghề Bù Đốp đào tạo nghề cho 105 học viên; Công ty TNHH MTV cao su Phước Long phối hợp Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật dạy nghề cho 70 học viên;... trong số này, nhiều học viên là đồng bào các DTTS.

Như vậy, Bình Phước đã có hướng đi để giải quyết bài toán đào tạo và giải quyết việc làm không chỉ cho đồng bào DTTS mà cả lao động nông thôn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, bài toán căn cơ hơn cả là phải dần thay đổi nhận thức của đồng bào. Đồng thời, cơ quan làm công tác dân tộc có trách nhiệm tổng hợp số lao động ở các doanh nghiệp, trang trại xem họ có nhu cầu đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động hay không, để hỗ trợ kinh phí và hướng cho đồng bào học nghề đó. Đặc biệt, để hiệu quả đào tạo nghề có tính lan tỏa thì cần tổ chức học tập trung, người học xong có việc làm ngay thì tự khắc mọi người sẽ đến học và nhân rộng mô hình làm hay, làm giỏi.

Hoàng Thu

 

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu