Thứ 6, 29/03/2024 14:11:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:56, 30/08/2017 GMT+7

Cần đưa quy hoạch chăn nuôi vào đời sống

Thứ 4, 30/08/2017 | 08:56:00 173 lượt xem

BP - Theo quy hoạch, đến năm 2020, tỉnh Bình Phước có khoảng 2,8 triệu con gia cầm. Thế nhưng, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện đàn gia cầm toàn tỉnh đã tăng đột biến, đạt gần 4,8 triệu con. Việc tăng đàn gia cầm quá mức sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý của ngành chức năng, nhất là quản lý dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Đáng lo ngại hơn là việc phá vỡ quy hoạch chăn nuôi gia cầm có thể khiến người nông dân đối mặt với những rủi ro, khi đầu ra của sản phẩm quá dư thừa.

Những tháng đầu năm 2017, dịch cúm AH5N1 xảy ra tại một số tỉnh, thành với những diễn biến phức tạp. Những thông tin về dịch cúm H7N9 từ gà có thể lây sang người làm cho các hộ chăn nuôi có đàn gà thả vườn trên địa bàn tỉnh như ngồi trên đống lửa. Gà đã lớn nhưng không bán được, hoặc bị tư thương ép giá. Đáng mừng là hiện Bình Phước chưa bị ảnh hưởng bởi dịch cúm AH5N1, đàn gia cầm ở tỉnh ta vẫn an toàn. Tuy nhiên, tình trạng gia cầm rớt giá sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, đời sống các hộ chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Cách đây chưa lâu, khi đàn heo phải “giải cứu” vì khủng hoảng thừa cũng đã khiến người nuôi gia cầm thiệt hại vì giá bán giảm từng ngày theo thịt heo. Theo nhận định của cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân chính làm cho giá thịt gia cầm giảm sâu trong thời gian qua là do cung vượt cầu; thông tin dịch cúm gia cầm bùng phát tại một số địa phương. Không những giá thịt gà đang giảm mạnh mà giá trứng gia cầm hiện cũng đã chạm đáy. Trong khi đó, lượng thịt gia cầm nhập khẩu thời gian qua tăng mạnh, làm cho người chăn nuôi trong nước càng thêm lao đao. Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết ngày 15-3-2017, cả nước nhập khẩu 22,5 ngàn tấn thịt gà các loại, trị giá 19,8 triệu USD. Riêng trong năm 2016, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu 140 ngàn tấn thịt gà các loại, trị giá 107,8 triệu USD.

Các chuyên gia cho rằng, nông sản rồi thịt gia súc, gia cầm thời gian qua luôn trong tình trạng phải trông đợi vào sự “giải cứu” của người tiêu dùng, một phần do các cơ quan quản lý quá chậm trễ trong việc cảnh báo về quy mô đàn, sự biến động thị trường và việc quy hoạch các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Một phần nữa là do thói quen chăn nuôi theo ý muốn của các hộ, dẫn tới tình trạng tăng đàn ngoài tầm kiểm soát. Để thoát khỏi tình cảnh hiện nay, theo các chuyên gia, người dân cần phải tham gia chuỗi giá trị, ký kết thỏa thuận rõ ràng với bên bao tiêu sản phẩm. Khi đã biết rõ đầu ra sản phẩm được bao nhiêu thì người nông dân không dám làm theo ý mình và tăng đàn tùy tiện. Thế nhưng, việc nông hộ tham gia chuỗi giá trị lại không đơn giản, bởi thói quen làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai người ấy làm đã ăn sâu vào ý thức của nhiều người.

Chăn nuôi là ngành kinh tế quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ trọng chăn nuôi là giải pháp chủ yếu để duy trì và nâng cao giá trị của sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, phải áp dụng công nghệ tiên tiến, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành chăn nuôi theo hướng gắn sản xuất với thị trường, chăn nuôi trang trại, công nghiệp và nâng cao khả năng kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổ chức lại ngành chăn nuôi theo hướng liên kết và quản lý chặt chẽ theo các chuỗi sản phẩm từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Đó là những mục tiêu trong quy hoạch ngành chăn nuôi đã được UBND tỉnh phê duyệt. Vấn đề quan trọng là phải đưa quy hoạch vào hiện thực đời sống, phải có định hướng cho nông dân để họ thực hiện nghiêm túc thì mới có thể thành công.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu