Thứ 5, 28/03/2024 15:33:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:08, 15/09/2017 GMT+7

Cần có “thuốc đặc trị”

Thứ 6, 15/09/2017 | 08:08:00 77 lượt xem

BP - Lễ khai giảng năm học 2017-2018 mới qua hơn 1 tuần, tình trạng lạm thu trong trường học lại được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh. Đó là chuyện nhiều phụ huynh Trường tiểu học Chu Văn An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp choáng váng với thông tin: Mỗi học sinh lớp 1 phải đóng hơn 16 triệu đồng vào đầu năm học. Sự việc đã được “chấn chỉnh”, để làm gương. Tuy nhiên, ngày 11-9, UBND huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng đã phải ban hành quyết định tạm đình chỉ Hiệu trưởng Trường THCS Minh Tân để làm rõ việc trường thu các khoản đầu năm học lên tới hơn 9 triệu đồng/học sinh.

Sự việc bắt nguồn từ việc trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh phiếu “Các khoản thu chính đối với học sinh năm học 2017-2018” được cho là của Trường THCS Minh Tân. Tổng số tiền học sinh phải đóng theo phiếu này là 9.188.000 đồng. Trong đó, tiền học thêm 3 triệu 72 ngàn đồng; học thêm nhóm 1,6 triệu; đồng phục 750 ngàn; quỹ lớp 500 ngàn; sửa chữa nhà trường 300 ngàn; kỹ năng sống 300 ngàn đồng... Khi báo chí vào cuộc, ông Nguyễn Hữu Đạt, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Tân cho biết, phiếu thu xuất hiện trên mạng xã hội không phải của trường, đồng thời cho rằng trường chưa họp phụ huynh và chưa thu khoản nào. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh khẳng định trường đã tổ chức họp phụ huynh vào ngày 27-8-2017 và đã có người nộp tiền. Ngay sau đó, Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Đạt thừa nhận là có. Và khi lãnh đạo huyện chỉ đạo Phòng GD-ĐT vào cuộc xác minh thì có tới 18/20 khoản có mức thu trùng với “phiếu thu” xuất hiện trên mạng xã hội. Trong đó, nhiều khoản thu chưa được sự thống nhất từ hội cha mẹ học sinh và cũng chưa được cơ quan chức năng của huyện cho phép triển khai thu! Xin không bàn luận về những phát ngôn đúng - sai và đạo đức nghề giáo của ông hiệu trưởng Nguyễn Hữu Đạt, nhưng từ mức thu đã nêu cho thấy tình trạng lạm thu vẫn chưa được ngăn chặn dứt điểm, thậm chí ngày càng nặng nề hơn, gây bức xúc dư luận.

Trước mỗi năm học, từ bộ đến các phòng GD-ĐT đều có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các trường học (có sở GD-ĐT còn thành lập cả đường dây nóng về dạy thêm, học thêm, lạm thu). Trong đó yêu cầu các trường công khai những khoản thu ngay từ đầu năm học và không nên thu nhiều khoản cùng một lúc, nhằm giảm gánh nặng cho phụ huynh. Đặc biệt, các khoản thu xã hội hóa phải có sự đồng ý của cha mẹ học sinh và chính quyền địa phương. Tại Bình Phước, ngày 21-8-2017, Sở GD-ĐT cũng đã ban hành Công văn số 3301/SGDĐT-KHTC nhắc nhở và hướng dẫn bổ sung thực hiện quản lý các khoản thu - chi năm học 2017-2018. Tuy nhiên, đầu mỗi năm học, tình trạng lạm thu lại diễn ra với nhiều hình thức khác nhau, không chỉ ở thị xã mà cả ở những xã vùng sâu, khó khăn. Những ngày gần đây, đường dây nóng của Báo Bình Phước cũng nhận được vài cuộc gọi phản ánh về tình trạng thu không đúng mục đích, thu không biên lai... ở một số trường học trong tỉnh. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng dư luận cho rằng, do các biện pháp xử lý lạm thu chưa đủ mạnh, còn “giơ cao đánh khẽ”. Hội cha mẹ học sinh ở một số trường còn là “cánh tay nối dài” của ban giám hiệu trong việc lạm thu...

Để tránh tình trạng lạm thu, gây bức xúc dư luận như trong thời gian qua, rất cần có “thuốc đặc trị liều cao” từ chính ngành GD-ĐT và chính quyền địa phương. Đồng thời là sự vào cuộc có trách nhiệm của ban đại diện cha mẹ học sinh. Với Bình Phước, việc quản lý thu - chi và vận động thu tại trường học, cơ sở giáo dục còn phải thực hiện nghiêm theo Chỉ thị số 12/2015/CT-UBND ngày 17-8-2015 của UBND tỉnh.

Hoàng Ngọc

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu