Thứ 6, 29/03/2024 00:35:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:52, 10/10/2014 GMT+7

Cần có sở hữu toàn dân

Thứ 6, 10/10/2014 | 09:52:00 100 lượt xem

BP - Bộ luật Dân sự hiện hành được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 14-6-2005. Sau hơn 8 năm thi hành, Bộ luật Dân sự đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động... Tuy nhiên, bước sang giai đoạn phát triển mới của đất nước, trước yêu cầu về bảo vệ quyền con người, quyền công dân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Bộ luật Dân sự hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung bộ luật này là rất cần thiết và Bộ Tư pháp đã được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo Dự án Luật Dân sự sửa đổi. Vừa qua, bộ này đã công bố Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự. Theo đó, dự thảo bộ luật có tổng số 672 điều, giữ nguyên 263 điều, sửa đổi 297 điều, bổ sung 126 điều, bãi bỏ 149 điều so bộ luật hiện hành. Một trong những vấn đề rất mới của dự thảo là đã bổ sung quy định khi người dân có yêu cầu về giải quyết vụ, việc dân sự thì tòa án nhân dân không được từ chối vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 3 trong Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi có quy định như sau: 3. Thẩm phán không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự với lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Theo lý giải của cơ quan soạn thảo dự án luật là Bộ Tư pháp thì trong trường hợp chưa có điều luật, tòa án cần áp dụng quy định về tập quán tương tự quy định của pháp luật, các nguyên tắc cơ bản được quy định trong bộ luật dân sự và lẽ công bằng để xem xét, giải quyết vụ, việc dân sự của người dân. Vì tại Điều 5 quy định về việc áp dụng tập quán, trong dự thảo bộ luật này có quy định cụ thể như sau: Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì có thể áp dụng tập quán. Tập quán không được trái với những nguyên tắc cơ bản quy định tại Điều 2 của bộ luật này và không vi phạm điều cấm của luật.

Tuy nhiên, cách lý giải trên của Bộ Tư pháp không được dư luận đồng tình vì quy định này không phù hợp thực tế. Hơn nữa, nếu pháp luật chưa quy định thì căn cứ vào đâu để xử? Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, trong Bộ luật Dân sự sửa đổi không nên quy định vấn đề này, nói đúng hơn là cần bỏ nội dung của Khoản 3 trong Điều 3.

Liên quan đến hình thức sở hữu, dự thảo quy định 2 hình thức sở hữu trong giao lưu dân sự là sở hữu riêng và sở hữu chung. Trong đó, sở hữu riêng là sở hữu của một chủ thể, bao gồm cá nhân, pháp nhân; sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể. Theo lý giải của Bộ Tư pháp thì trong hai hình thức sở hữu này đã bao gồm tài sản thuộc sở hữu tư nhân và sở hữu toàn dân. Và khi tham gia vào các quan hệ dân sự, quyền của chủ sở hữu thuộc các hình thức sở hữu đều được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật không phụ thuộc vào tính chất sở hữu, thành phần kinh tế, tài sản thuộc sở hữu toàn dân hay tài sản thuộc sở hữu tư nhân.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, ngoài quy định sở hữu chung và riêng thì trong Bộ luật Dân sự cần quy định cả sở hữu toàn dân. Và trên cơ sở sở hữu toàn dân cần ghi nhận hình thức sở hữu nhà nước trong Bộ luật Dân sự thì mới phù hợp với hệ thống pháp luật ở nước ta hiện nay. Vì tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước đang được quy định trong Hiến pháp 2013, Luật Đất đai 2013… và rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Nếu không tiếp tục quy định về vấn đề này có thể gây khó khăn trong thực tiễn áp dụng pháp luật.

Nhật Minh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu