Thứ 3, 16/04/2024 18:54:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 16:43, 05/10/2015 GMT+7

Cần có giải pháp mạnh với tội phạm xâm hại trẻ em

Thứ 2, 05/10/2015 | 16:43:00 1,410 lượt xem

BPO - Theo số liệu thống kê của Bộ Công an và Công an tỉnh, thời gian gần đây, trên toàn quốc nói chung và ở Bình Phước nói riêng, số vụ học sinh, trẻ em bị mất tích, trẻ em bị mua bán hay bị xâm hại tình dục, đặc biệt là hiếp dâm trẻ em có chiều hướng gia tăng và đã đến mức báo động. Các vụ hiếp dâm trẻ em đều gây ra những hậu quả nặng nề. Nhiều trẻ em không chỉ bị xâm hại về tình dục, mà còn bị xâm hại cả về sức khỏe, tinh thần; gây hoang mang, bất bình trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự xã hội tại các địa phương… Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ việc đau lòng trên, song tất cả đã và đang là tiếng chuông cảnh báo về trách nhiệm của toàn xã hội trong việc phòng, chống và đẩy lùi loại tội phạm này. 

* Những con số đau lòng:

Cụ thể, tính từ ngày 1-1-2014 đến hết ngày 30-5-2015, số vụ học sinh, trẻ em bị mất tích trong cả nước là 331 vụ, với 334 em bị mất tích. Trong đó, số vụ mất tích đã tìm thấy hoặc tự trở về là 230 vụ, với 230 em; số vụ mất tích chưa trở về, chưa xác định được nguyên nhân là 100 vụ, với 103 em; số vụ mất tích sau đó xác định tử vong là 1.  

Cũng trong thời gian kể trên, số học sinh, trẻ em bị xâm hại tình dục trong cả nước là 603 vụ, với 603 em; số vụ hiếp dâm sau đó giết nạn nhân là 4 vụ, gồm 4 em; số học sinh, trẻ em bị hiếp dâm là 178 em; số học sinh, trẻ em bị giao cấu và dâm ô là 421 em. Tại tỉnh Bình Phước, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2015 đã xảy ra 16 vụ, với 16 trẻ em bị xâm hại và cơ quan chức năng đã tiến hành xác minh khởi tố điều tra 16 vụ, với 16 đối tượng.

Điều đáng nói là hầu hết nạn nhân của loại tội phạm này là những cháu gái còn quá nhỏ tuổi, nhiều nạn nhân dưới 10 tuổi nên dễ dàng bị đối tượng lợi dụng dụ dỗ xâm hại. Đối với những nữ sinh mới lớn, thì phần lớn có tâm lý tò mò, nhưng thiếu kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử nên dễ dàng sa vào bẫy. Một số em lại do ham chơi đua đòi, dễ dàng trong việc kết bạn làm quen nên bị các đối tượng lợi dụng rủ rê, tự bỏ nhà đi mất tích hoặc bị lừa gạt xâm hại tình dục.

* Phương thức thủ đoạn phạm tội:

Đối tượng xâm hại tình dục trẻ em ở nhiều độ tuổi khác nhau, tập trung chủ yếu từ 17 đến 40 tuổi, ngoài ra cũng có nhiều đối tượng trên 40, 50 tuổi, cá biệt có một số vụ trên 70 tuổi; Hầu hết các đối tượng có lối sống gấp, buông thả, không có nghề nghiệp, công việc ổn định, ăn chơi đua đòi, thậm chí suy đồi bệnh hoạn, trình độ học vấn thấp, không am hiểu pháp luật... chủ yếu sống bằng nghề tự do; một số vụ đối tượng là giáo viên, người có chức trách bảo trợ, nuôi dưỡng, chữa bệnh... lợi dụng để xâm hại tình dục trẻ em.

Hầu hết các vụ xâm hại tình dục trẻ em, đối tượng và nạn nhân có mối quan hệ quen biết từ trước như thầy trò, cha dượng, người thân trong họ, người quen trong xóm ấp, bạn bè... lợi dụng mối quan hệ này để gây lòng tin, hứa hẹn, dụ dỗ cho quà, lừa gạt, đe dọa để xâm hại tình dục trẻ em. Loại tội phạm này thường dùng thủ đoạn lợi dụng địa bàn vắng vẻ, dân cư thưa thớt, người lớn vắng nhà, thiếu sự quan tâm quản lý để xâm hại tình dục trẻ em. Bên cạnh đó, thời gian gần đây đã xuất hiện những đối tượng lợi dụng mạng Internet, Facebook, điện thoại di động... để tiếp cận, làm quen rồi rủ rê, lừa gạt, rủ đi chơi, du lịch mua sắm rồi xâm hại tình dục. Một số đối tượng khác lại dùng chất kích thích, như: rượu, bia, thuốc kích dục... để thực hiện hành vi xâm hại trẻ.

* Nguyên nhân khách quan và chủ quan:

Nguyên nhân khách quan là do tình hình kinh tế - xã hội phát triển, nên có nhiều em phát triển sớm về thể chất, giới tính. Bên cạnh đó, với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông, mạng internet, điện thoại di động... và các em dễ dàng tiếp cận các trang mạng có nội dung xấu, nội dung khiêu dâm, bạo lực và dẫn tới bị tiêm nhiễm, kích động. Bên cạnh đó, địa bàn ở các vùng sâu, vùng nông thôn dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp, phong tục lạc hậu, dễ phát sinh tội phạm.

Nguyên nhân chủ quan là do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, chưa thực sự có chiều sâu và hiệu quả. Trong khi đó, việc phổ biến giáo dục giới tính trong các nhà trường còn hình thức, nên các em không tiếp thu được những kiến thức cơ bản nhằm bảo vệ mình hoặc biết kiềm chế những dục vọng thấp hèn.

Bên cạnh đó, một số bậc phụ huynh do mải mê công việc, làm ăn, gia đình ly thân, ly hôn thiếu sự quan tâm quản lý con cái. Thậm chí có không ít trường  hợp con cái đi qua đêm, vắng mặt nhiều ngày nhưng cha mẹ vẫn không biết hoặc biết nhưng không có biện pháp quản lý giáo dục. Và nguyên nhân nữa là từ chính bản thân các em thích đua đòi ham chơi, dễ dãi trong việc làm quen kết bạn, yêu đương rồi rủ rê lôi kéo nhau. Hoặc do chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ cũng dẫn đến sự giận dỗi, mâu thuẫn trong gia đình nên các em tự bỏ nhà đi. Nhiều em thiếu kỹ năng sống và ứng xử nên bị các đối tượng lợi dụng xâm hại hoặc bị lừa gạt, mua bán.

* Giải pháp ngăn ngừa:

Để phòng ngừa, ngăn chặn, giải quyết có hậu quả tình hình nêu trên, các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng công an các cấp cần chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương mở các đợt tuyên truyền sâu rộng đến các em và các bậc phụ huynh về kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình và con em mình.

Đồng thời, tăng cường công tác nắm tình hình về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và trẻ em bị mất tích. Phát hiện kịp thời các vụ xâm hại tình dục trẻ em và trẻ em bị mất tích có dấu hiệu tội phạm để điều tra xử lý. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về ANTT để kịp thời phát hiện những vi phạm xử lý theo quy định. Tập trung lực lượng xác minh, điều tra, kết luận và xử lý nghiêm các vụ xâm hại tình dục trẻ em, đồng thời làm tốt công tác hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tái hòa nhập cộng đồng.

Hoàng Linh

  • Từ khóa
27328

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu