Thứ 6, 29/03/2024 02:49:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:39, 18/02/2017 GMT+7

Cần có giải pháp đầu tư đồng bộ

Thứ 7, 18/02/2017 | 10:39:00 109 lượt xem

BP - Sự kiện thu hút sự quan tâm dư luận những ngày qua là việc Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực từ ngày 1-2-2017.

Dư luận cho rằng, việc thực hiện nghị định này là một trong những giải pháp quan trọng vừa bảo vệ môi trường vừa góp phần xây dựng cuộc sống văn minh, hiện đại hơn.

Nghị định 155 có 4 chương, với 63 điều quy định chi tiết các hành vi vi phạm hành chính, hình thức và mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Và các quy định về trách nhiệm, cơ chế phối hợp trong hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đặc biệt, theo quy định tại khoản 1, điều 20 của nghị định này, các hành vi gây mất vệ sinh khu dân cư như vứt, thải, bỏ mẩu thuốc lá, rác sinh hoạt; vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định và vận chuyển nguyên, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường... đều bị phạt tiền ở mức cao. Điều này cho thấy, nếp sống văn minh và môi trường đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Bởi từ trước đến nay, dù đã có nghị định xử lý nhưng chế tài, mức phạt chưa cao, không đủ sức răn đe nên người dân thờ ơ với việc bảo vệ môi trường dẫn tới xả rác, phóng uế bừa bãi. Đặc biệt, đối với bộ phận dân cư sống trong môi trường nông thôn lại càng ít quan tâm tới bảo vệ môi trường và thói quen xả rác bừa bãi. Vì vậy, sau khi Nghị định 155 có hiệu lực đã thu hút sự quan tâm ủng hộ của đa số người dân trong cả nước. Và chỉ sau nửa tháng nghị định có hiệu lực, không ít trường hợp xả rác thải, phóng uế không đúng nơi quy định đã bị xử lý nghiêm, tạo không gian đô thị sạch sẽ và văn minh hơn.

Việc thực hiện Nghị định 155 diễn ra khá thuận lợi ở các đô thị, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn đối với một số địa phương, trong đó có thị xã Đồng Xoài vì thiếu giải pháp đầu tư đồng bộ. Cụ thể, thị xã Đồng Xoài có diện tích gần 167km2, với dân số khoảng 100 ngàn người. Thị xã có 5 phường nội ô và 3 xã vùng ven, thế nhưng tâm lý người dân vẫn mang nặng nếp sống nông thôn nên chưa có ý thức cao về bảo vệ môi trường, việc xả rác, nước thải sinh hoạt, vệ sinh cá nhân... còn bừa bãi, khó kiểm soát. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ nên cũng bị ô nhiễm môi trường vì bụi, vì các công trình xây dựng, vì đường giao thông xuống cấp... Bên cạnh đó, Đồng Xoài chưa có nhà vệ sinh công cộng cũng là cái khó của thị xã khi thực hiện nếp sống văn minh.

Vì vậy, trước mắt thị xã Đồng Xoài cần đầu tư xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng hoặc mời gọi đầu tư nhà (xe) vệ sinh có thu phí để phục vụ nhu cầu của người dân. Hiện một số tuyến đường, điểm công cộng tại thành phố Hồ Chí Minh có xe vệ sinh di động có thu phí do người dân đầu tư là một mô hình, giải pháp hay cần nhân rộng tại thị xã Đồng Xoài, vừa để góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị, vừa bảo vệ môi trường.

Gia Nghi

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu