Thứ 5, 25/04/2024 20:58:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:20, 20/11/2015 GMT+7

Cần có chế tài đủ sức răn đe

Thứ 6, 20/11/2015 | 10:20:00 98 lượt xem

BP - Sau khi Chỉ thị số 14/2010/CT-UBND, ngày 15-9-2010 của UBND tỉnh được ban hành, tình trạng bán điều non, cầm cố đất, vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể. Dù đã “giảm nhiệt” nhưng cầm cố đất, bán điều non, vay nặng lãi vẫn diễn ra dai dẳng, âm ỉ ở nhiều nơi thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vào thời điểm hiện nay, mùa cưới đã bắt đầu.

Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 459 hộ cầm cố đất, thế chấp đất ở, đất sản xuất với diện tích hơn 565 ha và có 302 hộ bán đất ở, đất sản xuất với diện tích hơn 300 ha. Tuy nhiên, con số thực tế chắc chắn sẽ lớn hơn. Nguyên nhân đã được đưa ra mổ xẻ tại rất nhiều cuộc họp từ tỉnh đến cơ sở. Phần lớn do những hộ cầm cố đất sản xuất, đất ở với lãi suất cao. Như trường hợp hộ ông Điểu Nát ở đội 3 Đắk U, xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) vay với lãi suất 50%/tháng. Nhờ có sự vào cuộc của chính quyền xã, chủ nợ đã chấp nhận trả lại đất. Tuy nhiên, từ 45 triệu đồng vay ban đầu, qua gần 5 năm, gia đình ông Điểu Nát phải trả cả gốc lẫn lãi lên đến 219 triệu đồng. Thậm chí có hộ còn vay với lãi suất 70-75%/tháng nên đến thời hạn không trả được nợ, đành chấp nhận giao đất cho chủ nợ, rồi phải làm thuê trên chính mảnh đất của gia đình.

Hiện đang là thời điểm các hộ đồng bào tổ chức cưới hỏi cho con em. Vì vậy, tình trạng cầm cố, sang nhượng đất, nhất là bán điều non sẽ tiếp tục diễn ra như những năm trước. Theo tục lệ của đồng bào, mỗi đám cưới nhà trai phải mang đủ tố, xà lung, trâu, bò, heo... đến nhà gái với giá trị từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng làm lễ vật. Nhiều gia đình đã phải đi vay tiền với lãi suất “cắt cổ” để sắm lễ rồi lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Số hộ khác không biết tính toán làm ăn, chi tiêu thiếu hợp lý, ăn uống xa xỉ, nhất là trong thời điểm giá mủ cao su xuống thấp, ít có người thuê dẫn đến thiếu nợ, lâu ngày lãi chồng lãi nên không có khả năng chi trả... buộc phải bán điều non. Cũng có hộ do lười lao động, thích hưởng thụ, ỷ lại chính sách của Nhà nước, có canh tác nhưng không hiệu quả nên bán, cho thuê đất, bán điều non để tiêu xài.

Chỉ thị số 14/2010/CT-UBND, ngày 15-9-2010 của UBND tỉnh đã góp phần củng cố thêm cơ sở pháp lý để ngăn chặn, xử lý hiệu quả tình trạng chuyển nhượng, cho thuê đất trái phép. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của chỉ thị là chưa quy định việc xử lý tài sản trên đất của người vi phạm khi bị thu hồi đất; chưa quy định chế tài đối với người mua và người bán; chứng cứ xác định việc sang nhượng, cho thuê trái phép chưa được làm rõ (vì đồng bào thường bị lợi dụng sang nhượng bằng thỏa thuận miệng). Nhiều loạt bài điều tra của Báo Bình Phước trong thời gian qua cũng cho thấy, các chủ nợ cho vay thường chủ động lập giao dịch; lợi dụng đồng bào không biết chữ nên trên giấy tờ vay thường khai lớn hơn thực tế và không ghi lãi suất thỏa thuận giữa hai bên. Việc làm này của các chủ nợ nhằm tránh việc ghi lãi suất cao trong giao dịch...

Nhiều luật gia cho rằng, sự thiếu thống nhất giữa Điều 163 của Bộ luật Hình sự quy định về “mức lãi suất cho vay cao hơn 10 lần mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định” và Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định “lãi suất do các bên thỏa thuận và không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”... đã và đang tạo kẽ hở cho hành vi cho vay nặng lãi còn đất sống, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Vì vậy, việc sớm sửa đổi, bổ sung chế tài trong Chỉ thị số 14 để đủ sức răn đe, xử lý nghiêm đối tượng ép buộc đồng bào bán, sang nhượng đất trái phép là hết sức cần thiết, không chỉ trong thời điểm hiện nay.

 Hoàng Thu

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu