Thứ 6, 19/04/2024 19:38:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:55, 22/01/2015 GMT+7

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Cần có chế tài để tránh việc trốn nợ

Thứ 5, 22/01/2015 | 08:55:00 2,481 lượt xem
BP - Trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, ở Mục 3 phần quy định về hợp đồng vay tài sản gồm 8 điều, từ Điều 486 đến Điều 493. Cụ thể, tại Điều 486 quy định về hợp đồng vay tài sản như sau: Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay hoặc bên được bên vay chỉ định; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Về nghĩa vụ trả nợ của người vay tài sản đối với người cho vay, tại Điều 489 có quy định như sau: 1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý...

Như vậy, trong dự thảo chỉ có quy định về việc cho vay và nghĩa vụ trả nợ, chứ không có điều, khoản nào ràng buộc trách nhiệm, nói đúng hơn là không có chế tài nào buộc người vay phải thực thi nghĩa vụ trả nợ. Trong khi đó, hiện nay trong xã hội vẫn thường xảy ra tình trạng vay rồi không trả hoặc vay nhiều tiền nhưng trả nhỏ giọt và không đúng kỳ hạn. Thậm chí còn có không ít người tuyên bố phá sản, không có khả năng trả nợ, khá phổ biến. Nguyên nhân của tình trạng trên là do bên vay tài sản đã cố tình lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong việc áp dụng chế tài xử lý quan hệ dân sự việc trả nợ để “xù” nợ.

Ngoài ra, còn có nhiều trường hợp là người đi vay, nhưng sau thời gian tuyên bố phá sản thì họ lại nhởn nhơ ở nhà lầu, đi xe hơi. Ngược lại, bên cho vay bị ngân hàng siết nợ, phải đi ở nhà thuê. Dù bên cho vay có kiện ra tòa và được xử thắng kiện nhưng cuối cùng vẫn mất thời gian, công sức mà không nhận được tiền đã cho vay do không đủ cơ sở chứng minh tài sản mà người vay đang có (nhà lầu, xe hơi, ruộng, vườn và các loại động sản, bất động sản khác...). Bởi vì, những con nợ này muốn chiếm đoạt tài sản của người cho vay thì những tài sản trên không dại gì họ lại đứng tên.

Đó là chưa nói đến trường hợp bên vay dùng số tiền này cho người thứ ba vay để lấy lãi, nhưng khi bên cho vay đòi thì không trả và còn thách thức đi kiện. Trong khi đó, các cơ quan tư pháp thì cho rằng đây là quan hệ dân sự nên không can thiệp. Và thời gian gần đây, ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã có không ít người bỏ tiền ra mua căn hộ, nhưng gần 10 năm mà vẫn chưa nhận được nhà. Điều khôi hài là dù bị chiếm dụng vốn nhiều năm nhưng vì mong muốn an cư, khách hàng đành phải năn nỉ, thỏa hiệp với chủ đầu tư.

Vì vậy, theo ý kiến của cá nhân tôi, để hạn chế tình trạng trên, cần đưa vào Bộ luật Dân sự sửa đổi những điều kiện ràng buộc hơn nhằm bảo đảm quyền lợi của bên cho vay, buộc bên vay phải có trách nhiệm với khoản nợ, buộc chủ đầu tư phải có trách nhiệm với khách hàng. Cụ thể, khi quá thời hạn trả nợ, nếu bên vay không có khả năng thì người thân của họ cùng chịu trách nhiệm với khoản vay này, hay phạt tiền gấp 2 lần giá mua căn hộ hoặc cơ quan chức năng có quyền rút giấy phép hoạt động của chủ đầu tư nếu chậm giao nhà. Và chỉ có quy định chặt chẽ như vậy thì mới bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong hợp đồng mua bán.   

Lg: Như Nhất

  • Từ khóa
12487

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu