Thứ 6, 19/04/2024 07:22:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:44, 29/08/2019 GMT+7

Cần chú trọng công tác phòng, chống xâm hại trẻ em

Thứ 5, 29/08/2019 | 08:44:00 172 lượt xem
BP - Sáng 28-8, đoàn giám sát của Quốc hội do ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan tiếp và làm việc với đoàn.

Toàn tỉnh hiện có 303.666 trẻ em (154.175 nam, 149.491 nữ), trong đó trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 3.541. Thời gian qua, toàn tỉnh có 200 trẻ em bị xâm hại (nữ 199 em, nam 1 em), trong đó đa số là xâm hại tình dục (193 trường hợp). Nạn nhân của tội phạm xâm hại là trẻ em thuộc tất cả lứa tuổi, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, ít được chú ý chăm sóc, quản lý, cha mẹ ly hôn. Nhiều nạn nhân trong các vụ xâm hại mới 3-4 tuổi. Đối tượng bạo lực xâm hại trẻ em thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi, chủ yếu là lao động tự do hoặc không có nghề nghiệp, lười lao động, có lối sống lệch chuẩn. Hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra ở hầu hết các địa bàn trong tỉnh, nhiều nhất tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, xa (165 vụ).

Thành viên đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc

5 năm qua, UBND tỉnh đã tổ chức khoảng 40 hội nghị triển khai văn bản pháp luật, trong đó tập trung triển khai Luật Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND huyện, thị xã, thành phố. Tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo chương trình mục tiêu vì trẻ em tại 3 cấp; ban hành Nghị quyết số 16/2010/NQ-HĐND về tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn đến năm 2020; hình thành được đội ngũ làm công tác trẻ em cấp xã và cộng tác viên làm công tác trẻ em tại thôn, ấp, khu phố. Nhờ đó, đến nay 98% trẻ em dưới 6 tuổi và hàng ngàn trẻ em nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, 100% trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng mở rộng và được đi học đúng độ tuổi. Trẻ em khuyết tật, tàn tật, là nạn nhân chất độc da cam/dioxin hầu hết được nhận hỗ trợ bằng nhiều hình thức. 100% trẻ em bị xâm hại đều được can thiệp theo Thông tư số 23/2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Trẻ em.

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát của Quốc hội đã có ý kiến làm rõ số liệu của báo cáo; các văn bản quy phạm pháp luật triển khai luật đã được tỉnh ban hành; những vướng mắc sau 2 năm tỉnh triển khai thực hiện Luật Trẻ em, hệ thống tiêu chí xã, phường phù hợp trẻ em; kinh phí bố trí cho công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em những năm qua; công tác xử lý một số vụ việc xâm hại trẻ em cụ thể trên địa bàn tỉnh...

Các thành viên của đoàn giám sát cho rằng, về giải pháp tăng cường tuyên truyền, tỉnh cần quan tâm vừa phổ biến pháp luật vừa tuyên truyền về hậu quả pháp lý và hình phạt thích đáng; giải pháp phải gắn với đặc thù của địa phương, đồng thời tăng các kênh thông tin để nắm bắt tình hình xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình đề nghị: Tỉnh cần có chủ trương thống nhất về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó chú trọng công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Đồng thời cho rằng, Bình Phước có rất ít cơ sở trợ giúp trẻ em bị xâm hại, do vậy tỉnh cần huy động nguồn lực, phát huy nội lực để bảo vệ, chăm sóc trẻ em tốt hơn. Đối với cơ quan chuyên môn, đề nghị nắm bắt kỹ tình hình thực tế, phân tích dữ liệu để dự báo tình hình và đưa ra những giải pháp khả thi, phù hợp với địa phương.

Phương Dung 

  • Từ khóa
29778

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu