Thứ 3, 16/04/2024 14:21:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:30, 06/09/2017 GMT+7

PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ

Cần chế tài bảo vệ người tố cáo

Thứ 4, 06/09/2017 | 09:30:00 2,112 lượt xem

BP - Tố cáo là quyền cơ bản của công dân được ghi nhận tại Hiến pháp Việt Nam và là kênh đặc biệt quan trọng để giúp cơ quan nhà nước tiếp cận thông tin, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 14 của Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

Đồng thời, quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng, tại Điều 6 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 có quy định như sau: Công dân có quyền phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng; có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng.

Và trong Luật Tố cáo năm 2011 có quy định về tố cáo như sau: Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ là việc công dân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực là việc công dân báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đối với việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

Mặc dù từ Hiến pháp đến Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Tố cáo sửa đổi quy định là vậy, song hiệu quả của việc thực thi các quy định nêu trên vào cuộc sống chưa cao. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là do cơ chế bảo vệ người tố cáo chưa được quy định rõ ràng. Cụ thể là những người tố cáo và đưa những sự việc, hành vi tiêu cực, tham nhũng ra ánh sáng thì chưa được bảo vệ một cách chính đáng. Trong khi đó, người bị tố cáo thường là những người có chức vụ, quyền hạn hay thế lực trong xã hội và người tố cáo thường ở vị trí yếu thế hơn, dẫn tới nguy cơ người tố cáo bị trù dập, trả thù.

Trong một lần trả lời phỏng vấn của báo chí, ông Lê Phước Cẩm, người đã vạch trần vụ phá rừng Khe Diên (Quảng Nam), chia sẻ: Tôi thấy mình quá đơn độc. Cầm bằng chứng tố giác lên chi bộ thôn, thôn im lặng; tố lên Đảng bộ xã, xã im lặng. Tố lên đến huyện thì huyện để tin rò rỉ. Thậm chí khi bị đe dọa trực tiếp đến tính mạng toàn gia đình, nhưng tôi vẫn không nhận được sự bảo vệ trực tiếp nào từ chính quyền dù đã thông báo rõ...

Quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo, tại Khoản 1, Điều 5 của Luật Tố cáo có nêu: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp người tố cáo, tiếp nhận và giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật; xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín, việc làm, bí mật cho người tố cáo; bảo đảm quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo được thi hành nghiêm chỉnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định xử lý của mình.

Cũng về vấn đề này, tại các khoản 1 và 2, Điều 65 trong Luật Phòng, chống tham nhũng có quy định về trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết tố cáo, như sau: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi nhận được tố cáo hành vi tham nhũng phải xem xét và xử lý theo thẩm quyền; giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin khác theo yêu cầu của người tố cáo; áp dụng kịp thời các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo khi có biểu hiện đe dọa, trả thù, trù dập người tố cáo hoặc khi người tố cáo yêu cầu; thông báo kết quả giải quyết tố cáo cho người tố cáo khi có yêu cầu.

Tại Điều 58 trong Nghị định số 59/2013/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, có quy định về bảo vệ người tố cáo, như sau: Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để bảo vệ người tố cáo. Việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.

Từ những viện dẫn đã nêu cho thấy, trong Luật Tố cáo và Luật Phòng, chống tham nhũng đều có quy định về việc bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, các quy định này rất chung chung, còn mang nặng tính hình thức, thiếu cụ thể, không rõ ràng trách nhiệm bảo vệ người tố cáo của cơ quan nào? Trong khi đó, tại các văn bản quy phạm pháp luật chỉ nói là “các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để bảo vệ người tố cáo”. Ở đây xin đưa ra ví dụ cụ thể: Thanh tra nhà nước các cấp là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, nhưng cơ quan này lấy lực lượng ở đâu để bảo vệ người tố cáo 24/24 giờ và 7/7 ngày trong tuần? Và đây là lý do mà rất ít người dám tố cáo nên tình trạng tham nhũng chưa giảm, mà ngược lại đang có chiều hướng tăng cả về tính chất và số vụ.

Vì vậy, trong kỳ họp sắp tới, Quốc hội khóa XIV sẽ thảo luận và thông qua dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi, tôi đề nghị ban soạn thảo cần bổ sung các quy định cụ thể về chế tài bảo vệ người tố cáo.

N.V

  • Từ khóa
1184

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu