Thứ 5, 25/04/2024 04:15:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:46, 28/11/2014 GMT+7

Căn bệnh tự kỳ thị

Thứ 6, 28/11/2014 | 08:46:00 109 lượt xem
BP - Trong phần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, khi đề cập đến vấn đề lao động nước ngoài tại Việt Nam, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hải Chuyền cho biết, lực lượng này chủ yếu là chuyên gia, mà phần đông là chuyên gia người Trung Quốc.

Thực ra, có rất nhiều lĩnh vực, công việc người Việt hoàn toàn có thể đảm nhận, nhưng các công ty, doanh nghiệp, địa phương vẫn sính chuyên gia ngoại, cho dù thuê chuyên gia ngoại thì phải trả lương cao hơn nhiều so chuyên gia người Việt. Xin kể ba câu chuyện về sự sính ngoại của người Việt như sau:

Chuyện thứ nhất: Tôi có người quen, điều kiện kinh tế rất khá, con cái lại học giỏi và rất chịu học. Cả hai đứa con của chị ấy đều học tại các trường danh tiếng ở Mỹ. Năm ngoái, cậu con trai đầu sau khi tốt nghiệp cao học Anh ngữ tại đại học Los Angeles đã trở về Việt Nam với nguyện vọng được làm việc tại quê hương. Ban đầu, cậu xin vào dạy tại một trung tâm Anh ngữ trực thuộc một trường Đại học lớn tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng người ta trả lương cho cậu theo giờ và chỉ bằng 1/3 mức lương trả cho mấy anh tây ba lô. Họ nói, dù cậu có trình độ và khả năng sư phạm tốt hơn, nhưng vì là người Việt nên chỉ trả lương theo mức giáo viên trong nước!

Chuyện thứ hai: Dì cháu tôi cùng bay ra Hà Nội trên chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines. Do không được khỏe, máy điều hòa nhiệt độ trong máy bay để nhiệt độ thấp khiến tôi thấy lạnh nên gọi tiếp viên xin một cái chăn. Nhưng anh ta cứ tỏ ra bận rộn rồi làm ngơ không lấy, dù tôi đã nhắc đến lần thứ hai. Thế nhưng khi cháu tôi nói với anh ta bằng tiếng Anh thì anh tiếp viên rối rít Yes! Madam rồi ân cần nói với cháu tôi rằng cần gì cứ gọi.

Chuyện thứ ba: Bạn tôi là Việt kiều Ba Lan, có chuỗi nhà hàng hải sản nhiệt đới tại thủ đô Vacsava. Vừa rồi bạn về miền Tây khảo sát thị trường và dự định làm việc với chính quyền địa phương một vài tỉnh để thực hiện một dự án đầu tư kinh tế khá lớn tại Việt Nam. Nhưng đi đến đâu, bạn cũng chỉ nhận được lời hứa sẽ xem xét với thái độ hờ hững của những quan chức địa phương. Bạn không biết vì sao một dự án hứa hẹn có lợi cho người dân vùng sông nước như thế lại không nhận được sự quan tâm của các vị lãnh đạo địa phương.                    

Nghe một vài người tư vấn là những dự án đầu tư nước ngoài thì nên có sự hiện diện của người nước ngoài mới tạo được sự quan tâm của lãnh đạo, bạn tôi cũng thử làm theo. Bạn về thành phố Hồ Chí Minh tìm một sinh viên nước ngoài đang du học tại đây. Cậu sinh viên đóng vai người đầu tư, có nhiệm vụ nói mấy câu tiếng Anh theo yêu cầu của bạn, còn bạn đóng vai phiên dịch. Thế là được tiếp đón nồng hậu và dự án được xem xét ngay.

Tất nhiên ba câu chuyện nói trên không mang tính đại diện cho tất cả người Việt. Nhưng dù sao nó cũng phản ánh một căn bệnh lạ - bệnh tự kỳ thị của một bộ phận người Việt.

T.N

  • Từ khóa
108421

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu