Thứ 6, 19/04/2024 17:01:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 10:00, 04/03/2018 GMT+7

Căn bệnh trầm kha

Chủ nhật, 04/03/2018 | 10:00:00 151 lượt xem
BP - Mấy ngày trước tết Nguyên đán Mậu Tuất, khi thấy tủ lạnh đã chật cứng những nem, chả, thịt bò, bánh chưng, khô mực... mà chị vẫn hăng hái đi chợ, con gái nhăn nhó bảo, chỉ có 3 ngày tết, hàng hóa đâu có hiếm như xưa mà mẹ khuân về cả nửa tạ đồ thế? Chị chống chế, bảo làm gì tới, nhưng tính trên đầu ngón tay thì cũng xêm xêm.

Suốt tuần lễ trước tết, cánh phụ nữ trong cơ quan cứ như “lên đồng” tập thể. Bây giờ, nhiều chị đang làm nhà nước nhưng vẫn tranh thủ bán hàng trên mạng. Thế là chị em tíu tít hỏi nhau, vì mua của người quen vẫn yên tâm hơn. Dù đã mua mứt trái cây, nhưng thấy mấy chị khác bán mứt dừa, mứt bí “nhà làm”, chị cũng mua thêm vài gói. Cả tuần lễ, mọi câu chuyện trong cơ quan đều xoay quanh chủ đề sắm tết. Cánh phụ nữ thì quan tâm đến giá cả và chủng loại thực phẩm. Nào giò, nào chả, nào thịt xông khói... Năm nay, Siêu thị Co.opmart có cả sườn bò Úc, giá hơi đắt nhưng ăn vừa mềm vừa ngọt. Này thì sườn bò Úc, cả năm vất vả rồi, có đắt cũng thử một tý cho biết với thiên hạ. Chị thừa biết chỉ đến mồng hai tết, giò chả vẫn ê hề trong tủ nhưng thể nào chồng cũng kêu xót ruột vì uống nhiều rượu, bia quá. Và thể nào chị cũng lại lẳng lặng luộc một cái bắp cải hay củ su hào, làm khúc cá kho để chồng chống cơn xót ruột.

Ở một góc, mấy cô chưa chồng chỉ quan tâm đến áo quần, giày dép, túi xách. Nghe nói năm 2018, màu tím sẫm sẽ lên ngôi. Màu này kén người mặc lắm - một cô bảo thế. Mặc kệ! Mấy cô dù đã độn giày mười phân vẫn chưa thấy mình cao hơn ai, nhưng thời trang đã chuyển sang màu tím sẫm thì các cô không thể khác được.

Chuyện đi muộn, về sớm trong tuần lễ trước tết được du di hơn bởi anh trưởng phòng cũng bị vợ giao một số trọng trách trong việc sắm tết. Mỗi sáng sớm đến cơ quan, ngoài những chuyện thời sự trong ngành, trong cơ quan, nhiều anh có dịp khoe những kiến thức cất ủ lâu trong người về bon sai, cây cảnh, cá cảnh. Dù sao thì những câu chuyện của cánh đàn ông cũng không ồn ào, dai dẳng như của cánh phụ nữ. Và khi tết đến gần cũng là thời điểm mọi hàng hóa leo thang đến chóng mặt.

Thuộc tuýp đàn bà “truyền thống” nên ngoài chuyện giá cả hàng hóa ngoài chợ, chị vẫn phải quan tâm muối kiệu, muối hành thế nào cho ngon và để được lâu. Và chị thật lòng cảm phục những người đàn bà tết đến không quan tâm đến giò, chả, rượu, mứt, bánh chưng mà chỉ chăm chăm vào mạng xem hãng du lịch nào khuyến mãi, hãng hàng không nào mở thêm đường bay mới. Năm nay nghỉ tết tới bảy ngày nên nhiều chị đã lên kế hoạch đi du lịch và đặt vé từ rất sớm. Họ, những người đàn bà cấp tiến sẽ không phải một ngày đi mấy vòng chợ, mang về nhà cả núi hàng trong dịp tết, không phải còng lưng cắt hành cắt kiệu, tay chân bợt bạt vì ngâm nước lạnh và thức thâu đêm để nấu bánh chưng như chị.

Nhưng rồi chị lại tự hỏi, với bảy ngày nghỉ tết, nếu không loay hoay với cuốn nem, gói bánh, nấu những bữa cơm cúng thì chị còn biết làm gì. Sự bận rộn trong những ngày tết dù gì cũng khiến chị thấy mình là người quan trọng. Vì thế mà trước tết, chị lo sắm sửa cho đầy nhà và sau tết lại lo giải phóng cho nhanh những thứ mới chỉ mua sắm như phát cuồng cách đó đúng một tuần lễ. Nhưng rồi căn bệnh ngày tết là một thứ bệnh khá nặng, lặp lại theo chu kỳ. Năm nào cũng thế, sang giêng, nhìn đống giò chả, măng miến, bóng bì, bánh mứt, chị lại tự nhắc mình năm sau sẽ rút kinh nghiệm không mua nhiều như thế nữa. Nhưng đúng 365 ngày sau, chị cũng như nhiều chị khác lại sẽ như lên đồng tập thể, lại sôi lên suốt tuần vì những chuyện xưa như trái đất.

Căn bệnh ngày tết thật trầm kha, không thuốc nào chữa nổi!

Thảo Linh

  • Từ khóa
60319

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu