Thứ 5, 25/04/2024 23:57:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thể thao 09:11, 27/03/2016 GMT+7

Cảm mến đất và người Bình Phước

Chủ nhật, 27/03/2016 | 09:11:00 468 lượt xem

Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trung tâm Thể dục - Thể thao tỉnh trò chuyện với HLV Bùi Lương (ngoài cùng, bên phải)

BP - HLV Bùi Lương: Tôi sẽ gắn bó với Bình Phước đến cuối đời

Ngày 11 tháng giêng năm nay, tôi chuẩn bị hành lý vào lại Bình Phước. Vợ tôi ngồi lặng lẽ xếp đồ cùng chồng. Bạn phóng viên tại Hà Nội thi thoảng cứ nhắc: “Đã 5 năm rồi thầy!”. Tôi gật đầu: “Nợ Bình Phước trả hết tôi mới về”. Có lẽ cậu ấy không biết tôi nợ gì, chỉ thấy cậu ngồi lặng lẽ. Thực ra, cả đời gắn với nghiệp điền kinh, tôi nợ Bình Phước ở chữ “tình”.

Về huấn luyện tại đội điền kinh Bình Phước, tôi nhìn thấy mình trong hình ảnh của mỗi vận động viên (VĐV). Các em chịu khó, chịu khổ; đạo đức, kỷ luật và rất yêu môn thể thao này. Tôi cũng cảm mến tấm lòng lãnh đạo tỉnh dành cho ngành thể thao, đã vượt khó cùng ngành xây dựng cơ sở vật chất thể dục - thể thao (TD-TT). Đặc biệt, sự tin tưởng tuyệt đối vào công tác huấn luyện mà lãnh đạo ngành dành cho “ông già gân” như tôi khiến tôi yên tâm gắn bó. Vợ tôi cũng ủng hộ, bởi bà cảm mến trước việc Giám đốc Trung tâm TD-TT tỉnh lúc đó là anh Võ Quốc Thắng ra tận Hà Nội “vận động”. Tất cả tấm chân tình giữa tôi với thể thao Bình Phước như ăn sâu vào da thịt vợ chồng tôi.

Lúc mới vào (đầu năm 2011), tôi thấy đội điền kinh Bình Phước đang rệu rã. Thật xót xa nếu để điều tệ hơn xảy ra với một tỉnh có nhiều năng khiếu điền kinh. Tôi ngỏ ý quy tụ các VĐV lại để tập luyện và tham gia thi đấu hệ phong trào giải việt dã Báo Tiền Phong tổ chức tại Đắk Nông ngay trong năm 2011. Mục đích lấy lại chính niềm tin vừa đánh rơi trong mỗi VĐV điền kinh Bình Phước. Sau 6 tháng tập trung, đội điền kinh của tỉnh nhất toàn đoàn, nhất đồng đội nam. Hoàng Nguyên Thanh đã trở thành VĐV đa năng với sở trường leo núi và chạy marathon, Lâm Thị Thúy gắn liền với marathon và danh hiệu nữ hoàng leo núi Nguyễn Thị Hồng Vân, Đặng Cẩm Tú. Với điền kinh, marathon có thể trở thành mũi nhọn của thể thao Bình Phước.

Nay các em cơ bản tập luyện theo khuôn khổ, kỷ luật nghiêm. Nhưng tôi vẫn quán triệt: Phải có đạo đức, ở chỗ biết tự tôn với nghề, biết thương mến và giúp đỡ đồng nghiệp. Như thế các em mới cùng nhau vươn lên, vượt mọi trở ngại và khi ở đỉnh cao sự nghiệp vẫn gắn bó với thể thao Bình Phước.

HLV bơi lội Ngô Tuấn Thông: Kế thừa hào khí Sông Bé

Đã từng huấn luyện nhiều đội bơi lội, từ tuyển quốc gia đến tuyển trẻ, làm giảng viên bơi lội Trường đại học TD-TT thành phố Hồ Chí Minh và chuyên gia cho các đội tuyển ở tỉnh Đồng Nai, Vĩnh Long... Đi đến đâu, tôi đều xác định đó là quê hương thứ hai của mình. Bởi không phân biệt tỉnh có biển hay tỉnh miền núi, chỉ cần con người chịu khó và yêu thích bơi lội thì tôi có thể phát triển họ thành VĐV. Về Bình Phước từ tháng 6-2015, tuy chưa cống hiến được nhiều nhưng qua việc có thêm 2 VĐV của tỉnh được gọi vào tuyển trẻ quốc gia, nâng thành 4/9 VĐV của tỉnh đã cho thấy năng lực bơi lội của thể thao Bình Phước.

HLV bơi lội Ngô Tuấn Thông và các học tròHLV bơi lội Ngô Tuấn Thông và các học trò

Với con người Bình Phước, bơi lội đã là một trong những môn thế mạnh của tỉnh từ cuối những năm 90 của thế kỷ XX, khi tôi đang huấn luyện cho tuyển trẻ quốc gia. Tuy nhiên, khi về tỉnh, tôi thấy tiếc vì nhiều em đến với bơi lội khi đã qua thời kỳ nhạy cảm, độ tuổi 6-10. Nếu chúng ta phát hiện sớm thì tố chất, thể lực bơi lội của VĐV có nhiều thành tích nổi bật hơn nữa. Nay hướng “bổ túc” bằng cách cho các em tập thêm xà đơn, bóng rổ chỉ đủ khôi phục 70-80% kỹ năng bơi lội. Nghĩa là tăng trưởng được chiều cao, sức bền nhưng sự dẻo dai “như cá dưới nước” chỉ được một phần.

Phát huy “hào khí Sông Bé”, tôi cùng ban huấn luyện đang tuyển chọn thêm nhiều em có năng khiếu bơi lội từ các huyện, thị xã trong tỉnh. Đặc biệt chú trọng đến những người con làng chài và các ngôi trường nằm gần sông. Ở đó sẽ tìm được những em biết bơi lội từ nhỏ, có sẵn tố chất, thể lực bơi lội. Cuối năm 2015, Bình Phước đã thí điểm “xóa mù bơi” cho học sinh tiểu học tại Lộc Ninh và Đồng Xoài. Qua thực hiện thấy, học sinh tiểu học rất thích bơi lội và bơi lội tốt. Đó cũng là hướng chúng ta phát hiện những em sinh ra để dành cho thể thao nói chung và bơi lội nói riêng.

HLV Lê Thanh Xuân: Sẽ đưa bóng đá Bình Phước chơi V-League

Trước đây, tôi làm HLV CLB bóng đá tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Khi tham gia Cup truyền hình BTV năm 2011 thì gặp câu lạc bộ bóng đá Bình Phước. Sau đó, tiếp tục gặp thêm 2 lần ở giải hạng nhì quốc gia vào năm 2013. Mỗi lần gặp đội, tôi cảm nhận không chỉ cổ động viên mà lãnh đạo ngành TD-TT Bình Phước rất quan tâm tới câu lạc bộ bóng đá của tỉnh. Đặc biệt, cán bộ và nhân viên Trung tâm TD-TT tỉnh luôn ủng hộ đội bóng mỗi khi thi đấu cả trên sân nhà, sân khách. Năm 2014, Giám đốc Trung tâm TD-TT tỉnh lúc đó là anh Võ Quốc Thắng đã mời tôi về huấn luyện cho đội bóng khi đội rớt xuống hạng ba. Tôi đồng ý vì thấy sự nhiệt tình, ủng hộ của lãnh đạo ngành đối với bóng đá. Và tôi xác định ngay từ đầu, quyết đưa đội đi lên, không chỉ hạng nhì mà phải hạng nhất.

HLV Thanh Xuân (bên trái) chung vui với cầu thủ Bình Dương
HLV Thanh Xuân (bên phải) chung vui với cầu thủ Bình Dương

Khi về Bình Phước, khó khăn lớn nhất là đội bóng chỉ còn 10 VĐV. Hầu hết trình độ các em chưa đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Cơ sở vật chất, dụng cụ tập luyện chưa mạnh. Tuy nhiên, các em có tính kỷ luật tốt; sức chịu đựng thiếu thốn, gian khó cao; ý chí vươn lên mạnh mẽ; tôn trọng huấn luyện viên nên tôi nhanh chóng hòa nhập vào đội. Những thay đổi trong tập luyện được dành cho đội nhanh chóng đi vào nền nếp, trở thành khuôn khổ. Hiện đội đã có đội ngũ kế cận ổn định, bền vững. Tất cả là cơ sở để ban huấn luyện tham mưu trung tâm và lãnh đạo ngành tìm thêm những cầu thủ có đạo đức, chuyên môn về đầu quân đội bóng. Việc có được chữ ký của Nguyễn Minh Phương đã giúp đội yên tâm tập luyện, thi đấu. Sự tin tưởng của lãnh đạo tỉnh và ngành là cơ sở để chúng tôi quyết tâm thực hiện mục tiêu cao hơn, đưa đội bóng lên chơi hạng V-league.

HLV Võ Minh Nhất: Mong phát triển cờ tướng trong người Bình Phước

Gắn bó với cờ tướng Bình Phước từ năm 2007, gần 10 năm làm HLV và VĐV, tôi thấy người dân trong tỉnh chơi cờ tướng nhiều, phong trào rộng khắp. Mọi người có thể chơi vào sớm mai hay chiều tối, từ già tới trẻ. Minh chứng, khi tỉnh tổ chức các giải cờ tướng phong trào đều có hàng trăm người từ huyện, thị xã về thi đấu. Tuy nhiên, để thi đấu các giải chuyên nghiệp toàn quốc thì cờ tướng Bình Phước vẫn chưa phát huy được thế mạnh. Lý do rất đơn giản, vì chúng ta đến với cờ tướng chỉ để chơi, không phải để “đánh”. Mọi người muốn chơi cờ tướng hoặc định hướng cho con em chơi cờ tướng chỉ để giải trí hoặc phát triển tư duy, trí thông minh. Chưa ai xem đây trở thành môn thể thao thế mạnh của tỉnh.

HLV võ Minh Nhất chơi ván quyết định tại Đại hội Thể dục - Thể thao toàn quốc năm 2014HLV võ Minh Nhất chơi ván quyết định tại Đại hội Thể dục - Thể thao toàn quốc năm 2014

Muốn xây dựng và phát triển cờ tướng, chúng ta cần sự ủng hộ nhiệt thành của Sở Giáo dục - Đào tạo và nhiều sở, ngành khác. Việc “chính khóa hóa” một số môn thể thao vào thể dục học đường là cách làm nhanh, hiệu quả giúp chúng ta nâng cao thể trạng thế hệ làm chủ tương lai đất nước và phát hiện, đào tạo được nhiều VĐV cờ tướng.

Là người đến với cờ tướng từ năm lên 7, tôi biết lứa tuổi học sinh tiểu học đã đánh được cờ. Vì thế, nếu chúng ta tìm được nguồn VĐV kế cận từ lớp đối tượng này, chúng tôi sẽ tổ chức cho các em thi đấu nhiều với các tỉnh, thành, đặc biệt là Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh. Để qua đó, các em được cọ xát, đúc rút kinh nghiệm và làm quen nhanh với cờ tướng chuyên nghiệp, đưa cờ tướng phát triển tương xứng với tiềm năng, trí tuệ người Bình Phước.

Cẩm Thơ (lược ghi)

  • Từ khóa
101164

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu