Thứ 7, 20/04/2024 02:19:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:52, 19/03/2019 GMT+7

Cảm giác mua sách

Thứ 3, 19/03/2019 | 09:52:00 154 lượt xem
BP - Trong chương trình thời sự của VTV1 lúc 12 giờ ngày 17-3 đưa tin, Phó tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Lê Hoàng Hải cho biết: “Theo phương án đã được kiểm toán độc lập, nếu tính đúng, tính đủ các chi phí thì giá sách giáo khoa sẽ phải điều chỉnh tăng 20,2%. Tuy nhiên, sau khi Nhà xuất bản Giáo dục cân đối mọi yếu tố đã xây dựng phương án điều chỉnh giá sách giáo khoa ở mức tăng 16,9%”.

Đại diện Nhà xuất bản Giáo dục cũng cho biết thêm, 8 năm qua sách giáo khoa không tăng giá và nhiều năm gần đây phải bù lỗ xuất bản, trong khi đơn vị này không được cấp bù ngân sách nhà nước. Đây là vấn đề đã được đề cập đến khá nhiều thời gian qua, bởi nếu tăng như vậy, mỗi cuốn sách cũng chỉ tăng vài ngàn đồng, một bộ sách chỉ tăng vài chục ngàn đồng. Thoạt nhìn có thể thấy số tiền đó không đáng là bao, nhưng thực sự không đơn giản như vậy và chuyện cũng không chỉ là vấn đề về giá.

Mỗi đầu năm học, nước ta có khoảng 22 triệu học sinh tham dự khai giảng. Điều đó có nghĩa ít nhất phải có 22 triệu bộ sách cho các em tới trường. Từ đó cho thấy, nếu tính ra tiền, con số 16,9 hay 20,2% là rất lớn, có khi lên cả ngàn tỷ đồng. Đó là chưa nói tới trong cặp của cả học sinh và giáo viên không chỉ có sách giáo khoa, còn có nhiều loại sách khác như sách đọc thêm, sách bài tập, sách luyện tập... cũng có thể leo giá theo.

Một điều khá bất hợp lý ở chỗ, Nhà xuất bản Giáo dục cho biết phải bù lỗ xuất bản nhiều năm qua, thế nhưng đề nghị bỏ độc quyền xuất bản sách giáo khoa thì cả Nhà xuất bản Giáo dục và Bộ GD-ĐT lại không đồng ý. Việc này dẫn tới ngoại trừ chủ thể giữ vai trò độc quyền, còn lại các thành tố khác trong mối liên quan tới sách giáo khoa như giới xuất bản, những nhà giáo, nhà khoa học có khả năng biên soạn sách và cả dư luận xã hội đều bức xúc. Có ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT, Nhà xuất bản Giáo dục giữ vai trò độc quyền xuất bản sách không khác gì Bộ Y tế độc quyền tổ chức khám, chữa bệnh và cung cấp thuốc chữa bệnh hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn độc quyền bán các loại vật tư nông nghiệp. Thay vì “dài tay” như hiện nay, Bộ GD-ĐT nên tập trung vào vai trò quản lý nhà nước, tạo hành lang chính sách để đảm bảo chất lượng, công bằng, minh bạch cho các đơn vị, cá nhân yên tâm, cạnh tranh bình đẳng tham gia biên soạn, xuất bản sách giáo khoa... Nếu làm được như thế, không chỉ ngành GD-ĐT nhẹ gánh hơn, mà còn tiết kiệm được khoảng 20 triệu đô la kinh phí viết mỗi bộ sách giáo khoa bằng tiền đi vay Ngân hàng thế giới.

Một trong những lý do nữa khiến đề nghị tăng giá như “đổ thêm dầu vào lửa”, trong lúc dư luận cho rằng sách giáo khoa xuất bản gần đây chất lượng quá thấp. Rõ nhất là sách mang tính ứng dụng thấp, không sát thực tiễn cuộc sống, quá nặng nề khiến học sinh từ khi đặt chân tới nhà trường đã phải lao vào một cuộc đua học tập ngập đầu. Trong khi trẻ em ở các nước khác được vui chơi, học hành, phát triển đúng nghĩa, đúng lứa tuổi, thì trẻ em ở nước ta thậm chí cha mẹ đã phải cho đi học thêm ngay từ bậc học mầm non mới mong sau này con mình theo kịp chương trình...

Ai từng bỏ tiền ra mua sách sẽ biết ngay rằng, tăng 16,9% hay 20,2% cũng không thành vấn đề nếu mua được sản phẩm đúng giá, đúng chất lượng và không độc quyền, cạnh tranh bình đẳng. Ngược lại, sản phẩm chất lượng kém, được sản xuất với quy trình không phù hợp, cho dù không tăng, thậm chí giảm giá người mua cũng không hài lòng, nếu phải bắt buộc cũng chỉ là miễn cưỡng chấp nhận mua mà thôi.

Trần Phương

  • Từ khóa
109069

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu