Thứ 7, 20/04/2024 10:09:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:13, 31/08/2016 GMT+7

Cái giá của sai lầm

Thứ 4, 31/08/2016 | 14:13:00 1,096 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, trong cung đình nhà Trần thời vua Trần Minh Tông trị vì, Hiến Từ Tuyên Thánh hoàng hậu nổi tiếng với gia thế hiển hách bởi thuộc dòng chính thống cùng với lòng nhân hậu và cách xử thế. Bà là con gái của Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn và được thụ phong là Huy Thánh công chúa từ khi còn nhỏ. Huệ Vũ vương là con trai thứ của vua Trần Nhân Tông nên bà gọi vua Trần Nhân Tông là ông nội, vua Trần Anh Tông là bác và vua Trần Minh Tông là anh họ.

Bà cùng Hiển Từ Thuận Thiên hoàng hậu, Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng hậu là các hoàng hậu có thân thế hiển hách bậc nhất trong các hoàng hậu nhà Trần, cũng như trong các triều đại về sau khi có họ hàng gần huyết thống với dòng chính thống hoàng đế nhất. Năm 1301, vua Trần Anh Tông gả em gái là Thiên Trân công chúa cho Uy Túc công Trần Văn Bích. Năm 1309, công chúa mất, Uy Túc công lại lấy Huy Thánh công chúa về làm phu nhân. Sau đó, bà lại trở về nhà cha là Huệ Vũ vương và được sắp đặt chọn làm hoàng hậu cho vua Trần Minh Tông. Năm 1323, vua Trần Minh Tông 23 tuổi, Huy Thánh công chúa được vua Trần Minh Tông lấy làm hoàng hậu, phong Lệ Thánh hoàng hậu. Năm 1328, Lệ Thánh hoàng hậu kết hôn với vua Trần Minh Tông đã lâu mà vẫn chưa sinh hạ hoàng tử kế thừa đại thống. Vì vậy, vua Trần Minh Tông muốn lập hoàng tử Trần Vượng là con của Anh Tư phu nhân làm thái tử nhưng Huệ Vũ vương can ngăn quyết liệt nên vua Trần Minh Tông cũng đành để yên, nhưng trong lòng thì vẫn bực Huệ Vũ vương.

Minh họa: H.Hiên

Lợi dụng hoàn cảnh éo le đó, Cương Đông Văn Hiến Hầu, là con của Tá thánh Trần Nhật Duật muốn đánh đổ Lệ Thánh hoàng hậu để lập Thái tử Vượng nên mới đem của đút lót gia thần của Huệ Vũ vương là Trần Nhạc 100 lạng vàng và bảo Trần Nhạc vu cáo Huệ Vũ có âm mưu làm phản. Vua Trần Minh Tông cả tin cho là thật liền ra lệnh bắt giam ngay Huệ Vũ vương vào chùa Tư Phúc ở kinh sư rồi đem việc ấy hỏi Thiếu bảo Trần Khắc Chung. Trần Khắc Chung vốn là người cùng quê với Anh Tư phu nhân nên sớm có ý thông đồng và đã xúi giục Minh Tông xử tử Huệ Vũ vương. Sau đó, vua Trần Minh Tông truyền bắt Huệ Vũ vương phải tuyệt thực. Lệ Thánh hoàng hậu khi vào thăm cha đã lấy áo nhúng nước mặc vào người rồi vắt ra cho cha uống.

Trong khi đó, Anh Tư phu nhân muốn cho Huệ Vũ vương chết sớm để con mình được lập làm thái tử nên cho người mang nước tẩm độc cho Huệ Vũ vương uống và ông uống xong thì chết. Vào cuối năm đó, vua Trần Minh Tông lập hoàng tử Trần Vượng làm Thái tử. Năm 1329, vua Trần Minh Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Vượng, tức Trần Hiến Tông. Lệ Thánh hoàng hậu được tôn là Lệ Thánh Thái thượng hoàng hậu. Trần Hiến Tông làm hoàng đế được 13 năm thì qua đời, không có con. Lúc này, Lệ Thánh hoàng hậu đã sinh ra Cung Túc vương Trần Nguyên Dục, Thiên Ninh công chúa Trần Ngọc Tha và hoàng tử Trần Hạo. Nguyên Dục do ăn chơi quá độ nên vua Trần Minh Tông không vừa ý, còn thái tử Trần Hạo thì thông minh nên vua Trần Minh Tông chọn làm hoàng đế kế vị, tức Trần Dụ Tông. Minh Tông vẫn giữ quyền điều hành đất nước.

Năm 1358, Thượng hoàng Minh Tông qua đời, Lệ Thánh hoàng hậu được tôn làm Tuyên Thánh hoàng thái hậu. Khi Minh Tông mất, bà muốn đi tu, nhưng nghe theo lời dặn cuối của vua Trần Minh Tông, không thụ giới nhà phật. Ở cương vị Thái hậu, bà đã cố gắng kiềm chế bản tính xa hoa, bộc trực của vua Trần Dụ Tông. Năm 1369, vua Trần Dụ Tông qua đời, không có con nối dõi. Trong triều, hoàng tộc muốn lập người anh khác mẹ của Dụ Tông là Cung Định vương Trần Phủ lên kế thừa nhưng bà nhất định đòi lập người con của Cung Túc vương Trần Nguyên Dục là Trần Nhật Lễ lên ngôi kế thừa. Sau khi lên nối ngôi, Nhật Lễ phong bà làm Tuyên Thánh Thái hoàng thái hậu. Nhưng sau này bà ân hận khi biết Nhật Lễ không phải con ruột của Nguyên Dục. Lo sợ sự việc vỡ lở nên Nhật Lễ ngầm sai người đầu độc giết chết Thái hoàng thái hậu trong cung vào ngày 14-12 năm Kỷ Dậu (1369), tức ngày 12-1-1370.

Lời bàn:

Theo các tài liệu lịch sử còn lưu truyền đến ngày nay, Hiến Từ Tuyên Thánh hoàng hậu là người nổi tiếng về sự nhân ái và cách xử thế. Bà thương yêu các con của vua Trần Minh Tông như con ruột dù là con của vợ thứ hay cung phi sinh ra. Bà còn rất thân thiện với các cung tần trong cung, hay phát tiền cho dân nghèo. Nhiều lần bà bị vu oan hay hiềm khích, nhưng bà đều bỏ qua, không lợi dụng uy tín của mình để truy cứu hay trả thù. Người bấy giờ ca ngợi bà đã trọn đạo làm mẹ, tuy là phận con đích, con thứ không giống nhau, mà lòng nhân từ thì đối với con nào cũng thế, làm cho ân nghĩa vua tôi, anh em, cha con không một chút thiếu sót, từ xưa đến nay chưa có ai được như vậy. Người xưa đã tôn vinh bà là “Nghiêu Thuấn trong nữ giới”.

Thật đáng kính, song cũng thật đáng buồn vì lòng nhân hậu của bà đã che lấp ý chí và sự sáng suốt của bậc mẫu nghi thiên hạ. Chỉ vì sai lầm trong việc chọn Dương Nhật Lễ lên ngôi vua mà bà đã phải trả cái giá quá đắt, đó là mạng sống của chính mình và cao hơn nữa là sự suy sụp của nhà Trần - một triều đại vô cùng oanh liệt, đã bắt đầu từ đây. Vẫn biết đã là con người thì có mấy ai mà không mắc phải sai lầm nhưng sự sai lầm trong việc nhìn người, chọn người để phó thác hay trao trọng trách thì quả là tai hại không những cho bản thân, mà còn cả với giang sơn, xã tắc. Vậy nên xin hậu thế đừng ai quên điều này.

ND

  • Từ khóa
109830

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu