Thứ 3, 16/04/2024 12:26:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thế giới 09:45, 14/06/2017 GMT+7

Cải cách đại hóa

Thứ 4, 14/06/2017 | 09:45:00 1,147 lượt xem
BP - Giữa thế kỷ thứ VII, Nhật Bản là nước rất lạc hậu. Một số người đi sứ hoặc buôn bán từ Trung Quốc trở về muốn cải cách đất nước theo mô hình của nhà Đường, trong đó có học giả Nam Uyên. Lúc này tập đoàn phong kiến của Tô Ngã là thế lực mạnh nhất Nhật Bản đã trấn áp mọi phản kháng của người dân và cấm đoán mọi ý tưởng về cải cách của đội ngũ trí thức nhằm duy trì chế độ nô lệ.

Để cách tân đất nước, Nam Uyên mở các lớp học truyền dạy cho học trò về thơ ca, luật pháp, văn hóa và xã hội Trung Quốc thời Đường. Nhật hoàng hay tin liền cho mời các lãnh chúa, những trung thần đang có ý định chống lại Tô Ngã cùng Nam Uyên đến cung đàm đạo. Trong khi đàm đạo, hai em trai của vua là hoàng tử Trung Đại, hoàng tử Khinh đã lên án Nhật hoàng là vua bù nhìn và bộc lộ ý định chống lại Tô Ngã...

Đầu tháng 6-645, hoàng tử Đại triệu tập một cuộc họp của phe cải cách và tuyên bố Tô Ngã là cản trở lớn nhất của cải cách buộc phải thủ tiêu. Vì vậy, hoàng tử Đại chọn cơ hội giết Tô Ngã lúc Nhật hoàng tiếp sứ thần Triều Tiên vào giữa tháng 6. Đúng theo kế hoạch, Tô Ngã nghênh ngang bước vào điện chuẩn bị đón khách ngoại giao liền bị hoàng tử Trung Đại dùng gươm đâm xuyên qua người. Ngay lúc đó, Liêm Túc dẫn hàng trăm võ sĩ xông vào cung bắt sống toàn bộ vây cánh của Tô Ngã. Sau đó, hoàng tử Đại đưa hoàng tử Khinh lên ngôi Nhật hoàng, xưng là Lý Đức Thiên hoàng, lấy hiệu là Đại Hóa và dời đô về Osaka. Đầu năm 646, Lý Đức Thiên hoàng ban chiếu cải cách đất nước, lịch sử gọi là “Cải cách Đại hóa”. 

Theo chiếu chỉ, Nhật hoàng ra lệnh phế bỏ toàn bộ chế độ gia đình quý tộc chiếm hữu ruộng đất và bộ dân (dân ở trên đất bị quý tộc chiếm làm của riêng). Ruộng đất trở thành của công và tài sản của Nhà nước. Thiên hoàng là người sở hữu tối cao ruộng đất trong cả nước. Bộ dân cũng thuộc nhà nước, do nhà nước cai quản gọi là công dân. Triều đình giao đất cho dân khi đủ 6 tuổi với định mức nam, nữ nhất định, nô tỳ cũng được cấp đất nhưng ít hơn lương dân. Đất vua giao, người dân không được phép mua bán và phải trả lại cho nhà nước khi không quản lý sử dụng được. Người được giao đất phải nộp tô cho triều đình. Đến tháng 8-646, Nhật hoàng đưa ra chế độ quan chức với 19 bậc. Trong đó, cao nhất là quan Thái chính. Tiếp đó, vua giao Liêm Túc chủ biên ban hành các chiếu, mệnh lệnh để tập hợp thành bộ luật chính quy và hoàn chỉnh đầu tiên của Nhật Bản.

Lịch sử đánh giá, cuộc “Cải cách Đại hóa” có ảnh hưởng rất lớn đối với lịch sử phát triển của Nhật Bản. Qua cuộc cải cách này, xã hội Nhật Bản đã chuyển mình từ quốc gia chiếm hữu nô lệ sang xã hội phong kiến và mở đường để trở thành một đế chế hùng mạnh về sau.

N.C
(Nguồn: 102 sự kiện nổi tiếng thế giới)

  • Từ khóa
66484

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu