Thứ 7, 20/04/2024 10:08:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:12, 03/11/2017 GMT+7

Cách mạng Tháng Mười: Cuộc cách mạng toàn diện, có tính thực tiễn

Nguồn TTXVN
Thứ 6, 03/11/2017 | 14:12:00 2,912 lượt xem
BPO - Nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917 - 7-11-2017), phóng viên đã phỏng vấn Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin V. Vnukov về vai trò, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga; triển vọng hợp tác hai nước Việt-Nga trong thời kỳ mới.

Rạng sáng 7-11-1917, quân khởi nghĩa tấn công vào Cung điện Mùa Đông ở Petrograd, mở đầu cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn: 

- Thưa Đại sứ, cách đây 100 năm, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã mở ra con đường cách mạng hoàn toàn mới trong lịch sử nhân loại, hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Xin Đại sứ cho biết một vài suy nghĩ về vai trò, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga trong điều kiện hiện nay? 

Đại sứ Konstantin V.Vnukov: Cách mạng Tháng Mười Nga thực sự là một sự kiện rất quan trọng, có thể nói là quan trọng bậc nhất của thế kỷ trước. Sự kiện này đã và đang có ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn thế giới. 

Tôi muốn dẫn lời của Tổng thống Liên bang Nga Valdimir Putin vào ngày 19-10-2017, khi phát biểu tại Phiên họp toàn thể kỳ họp thường niên lần thứ 13 của Câu lạc bộ chính trị thảo luận quốc tế Valdai, diễn ra tại Sochi (Liên bang Nga), ông đã nói: “Cuộc Cách mạng năm 1917 đã đem lại sự khuyến khích mạnh mẽ cho việc biến đổi trên toàn thế giới."

Trước hết, kết quả của Cách mạng Tháng Mười Nga là đã thành lập ra nhà nước của công nhân và nhân dân lao động đầu tiên trên thế giới, của giai cấp vô sản Liên bang các nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết. Nhờ Cách mạng Tháng Mười, nước Nga đã xây dựng lại và biến đổi một cách căn bản, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, một lãnh thổ khổng lồ bị chiến tranh Thế giới lần thứ nhất làm cho suy yếu và đang tồn tại nhiều vấn đề, trong một thời gian ngắn đã trở thành một quốc gia công nghiệp hùng mạnh. 

Tôi xin nêu ví dụ, trước chiến tranh, hơn nửa dân số Nga không biết đọc, viết. Tuy nhiên, chỉ trong một vài năm sau Cách mạng Tháng Mười, tỷ lệ người dân biết chữ đã vươn lên hàng đầu trên thế giới. 

Cùng với đó, Liên Xô đã đóng góp to lớn vào lịch sử phát triển loài người, trước hết, đóng vai trò quyết định trong việc phá tan chủ nghĩa phátxít. Liên Xô đã đạt được những thành tựu nổi bật trong việc chinh phục vũ trụ. Vệ tinh đầu tiên mà loài người đưa lên vũ trụ là của Liên Xô. Người đầu tiên bay vào vũ trụ là Yuri Gagarin, công dân Liên Xô. Chính nhờ Cách mạng Tháng Mười, đất nước chúng tôi đã biến đổi một cách căn bản, tích cực. 

Từ kết quả của Cách mạng Tháng Mười Nga, nhiều nước bao gồm cả ở châu Âu và châu Á đã bắt đầu tìm con đường của mình đến nền độc lập và tự do. Tôi nhớ lại câu nói của Lãnh tụ V.I.Lenin: “Chính Cách mạng Tháng Mười đã thức tỉnh châu Á.”

Nhờ Cách mạng Tháng Mười Nga, châu Á bao gồm cả Việt Nam đã thức tỉnh và bắt đầu phong trào cách mạng. Điều đó đã dẫn tới sự sụp đổ căn bản của hệ thống thuộc địa trên thế giới vào những năm 60 thế kỷ trước. Các dân tộc đã giành được độc lập, tự do nhờ ảnh hưởng trực tiếp của Cách mạng Tháng Mười Nga. 

Cũng tại Phiên họp thường kỳ lần thứ 13 của Câu lạc bộ Valdai, Tổng thống Putin cho rằng, có thể tìm thấy kết quả của cuộc Cách mạng Tháng Mười ở các nước phương Tây. Nhiều nước phương Tây đã đạt được những thành quả kinh tế-xã hội, gia tăng mức sống, hình thành một tầng lớp trung lưu mạnh mẽ, cải cách thị trường lao động và lĩnh vực xã hội, phát triển giáo dục, tuân thủ nhân quyền, bao gồm quyền của các dân tộc thiểu số và phụ nữ… Điều này có nghĩa, sự tác động của Cách mạng Tháng Mười là toàn diện, có tính thực tiễn trên thế giới. Ngày nay cuộc cách mạng này vẫn tiếp tục có ảnh hưởng. 

Đương nhiên, thế giới đã thay đổi. Tôi cho rằng, cần một lần nữa quay lại với các bài học và nguyên nhân của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, tiến hành phân tích khách quan và không có định kiến đối với sự kiện. Điều này là cần thiết cho cộng đồng xã hội nhằm củng cố sự đồng thuận hiện có. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng mà chúng ta đang giải quyết nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Mười Nga. 

- Với mỗi người dân Việt Nam, cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng và thiêng liêng. Theo Đại sứ, chúng ta cần phải làm gì để tinh thần Cách mạng Tháng Mười Nga không ngừng được tiếp nối và phát huy, ở cả Liên bang Nga và Việt Nam? 

- Đại sứ Konstantin V.Vnukov: Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười, tôi đã đọc một số tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam và đã tìm thấy rất nhiều câu nói hay, sáng ngời về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cho rằng không một ai ngoài các chiến sỹ cách mạng, những người đã tạo ra Cách mạng Tháng Mười Nga, có thể chỉ ra cho dân tộc Việt Nam con đường tiến đến độc lập. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có rất nhiều những câu nói tương tự, chứng tỏ rằng Cách mạng Tháng Mười  không phải chỉ là lịch sử của nước Nga, mà còn là lịch sử của Việt Nam, như: “Nếu không có Cách mạng Tháng Mười thì không có Cách mạng Tháng Tám." Cho dù đây là sự kiện xảy ra đã hàng trăm năm nay, tôi vẫn thấy Cách mạng Tháng Mười Nga được kỷ niệm rộng rãi tại Việt Nam. 

Tại Nga, ngày 7-11 được kỷ niệm với hai sự kiện lớn; thứ nhất là Cách mạng Tháng Mười (7-11-1917), thứ hai là ngày tiến hành cuộc Diễu binh trên Quảng trường Đỏ tại Moskva, thủ đô Liên bang Nga  (7-11-1941). Chính trong ngày đó, các chiến sỹ Hồng quân đã đi qua Quảng trường Đỏ, tiến ra mặt trận, nơi lực lượng phátxít đã tiến đến cách Moskva chỉ còn 30 km. 

Tôi đặc biệt muốn nhấn mạnh trong số các chiến sỹ tình nguyện đã đi qua Quảng trường Đỏ, chiến đấu bảo vệ thủ đô của Liên Xô có cả một số chiến sỹ Việt Nam. 

Để tinh thần Cách mạng Tháng Mười Nga không ngừng được tiếp nối và phát huy, tôi cho rằng, thứ nhất, Việt Nam cần xây dựng đất nước có nền kinh tế phát triển, để Việt Nam, đất nước được lãnh đạo bởi Đảng Cộng sản, trở thành một quốc gia hùng mạnh. Bằng tấm gương của mình, Việt Nam sẽ chứng minh được những tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười vẫn có sức sống và đang được hiện thực hóa. 

Thứ hai, Việt Nam cần phát triển toàn diện quan hệ hữu nghị, hợp tác với Nga, với nhân dân Nga. Đất nước, nhân dân Nga luôn là người hỗ trợ, người bạn chung thủy của Việt Nam. 

- Trong 67 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga đã trải qua những thăng trầm của lịch sử, được thử thách qua thời gian và hai nước đã nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2012. Đại sứ đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác hai nước trong thời kỳ mới? 

Đại sứ Konstantin V.Vnukov: Tình hữu nghị, sự tương trợ lẫn nhau giữa Việt Nam-Nga được sinh ra từ rất lâu trước khi quan hệ ngoại giao chính thức được thiết lập cách đây 67 năm. Trong những năm 30 của thế kỷ 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà cách mạng tiền bối Việt Nam đã học tập tại Liên Xô, từ đó có được nền học vấn và quá trình đào tạo cách mạng chuyên nghiệp. Những điều này đã tạo lập nền tảng cơ bản cho tình hữu nghị và sự tương trợ lẫn nhau giữa hai nước. 
 

Lênin với các chiến sĩ Cách mạng trong cung điện Mùa Đông những ngày Cách mạng Tháng Mười năm 1917. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)


Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp, ông đã tham gia tích cực vào phong trào ủng hộ nước Nga XôViết, lúc này đang bị can thiệp bởi 14 quốc gia phương Tây. Cùng với các đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, ông đã đấu tranh chống lại sự can thiệp này, thậm chí đã quyên góp tiền ủng hộ nước Nga Xô Viết. Đây chính là tiền đề cho tình hữu nghị của chúng ta. Giữa hai nước không có bất cứ mâu thuẫn và phức tạp chính trị nào, không thừa kế những yếu tố xấu nào từ lịch sử chung. Từ trước đến nay, hai nước chỉ có tình hữu nghị truyền thống, tương trợ, hợp tác lẫn nhau. 

Trong thời gian gần đây, hai nước đã đạt được cấp độ cao nhất trong quan hệ song phương, được đánh giá bằng việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga. Hiện nay nhiệm vụ chính là phát triển hợp tác trong tất cả các lĩnh vực; củng cố cơ sở vật chất về thương mại và đầu tư còn chưa đáp ứng được tiềm năng hợp tác giữa hai nước. 

Lãnh đạo hai nước đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng - tăng gấp đôi kim ngạch thương mại giữa hai nước đến năm 2020. Tôi cho rằng nhiệm vụ này là rất nặng nề, nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được, bởi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên Liên minh kinh tế Á-Âu (gồm 5 quốc gia: Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Armenia) mới có hiệu lực được hơn một năm, kể từ ngày 5-10-2016 đã có những hoạt động hiệu quả. Liên minh kinh tế Á-Âu đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên ký kết quy chế thương mại ưu đãi, nhờ vậy đem lại kết quả tốt đẹp, thúc đẩy doanh nghiệp làm ăn tại thị trường các nước trong Hiệp định. 

Truyền thống hữu nghị tốt đẹp của hai nước cần được truyền lại cho các thế hệ trẻ. Nếu gặp những người có tuổi của Việt Nam, tôi tin chắc họ đều nói, rất trân trọng tình hữu nghị giữa hai nước, rằng họ biết Liên Xô, nước Nga. Nhiều trong số họ sẽ nói những lời này bằng tiếng Nga. Nhưng nếu tiếp xúc với thanh niên, tôi không nghĩ họ sẽ có những phản ứng như vậy, bởi công tác tuyên truyền giáo dục về tình hữu nghị hai nước với thế hệ trẻ Việt Nam chưa đủ mạnh. Do đó, Chính phủ Nga cố gắng tiến hành càng nhiều hoạt động mà ở đó các bạn trẻ của hai nước có thể trực tiếp giao lưu với nhau.

Ví dụ, cách đây không lâu, đoàn đại biểu Việt Nam đã tham gia Liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới lần thứ 19 diễn ra tại một số các thành phố của Nga, trong đó có Moskva và Sochi. Đây là cơ hội tuyệt vời để thế hệ trẻ hai nước giao lưu, tiếp xúc với nhau. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động này, hai nước có thể hiểu biết về nhau tốt hơn. Đây sẽ là tiền đề cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trong tương lai. 

- Trân trọng cảm ơn Đại sứ.

  • Từ khóa
19218

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu