Thứ 6, 29/03/2024 03:42:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thế giới 18:26, 31/03/2019 GMT+7

Các tòa nhà lớn trên toàn cầu tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái Đất

Nguồn TTXVN
Chủ nhật, 31/03/2019 | 18:26:00 147 lượt xem
BPO - Sự kiện Giờ Trái Đất 2019 chứng kiến hàng triệu người ở 180 quốc gia trên thế giới hưởng ứng tắt đèn vào lúc 20 giờ 30 để nhấn mạnh việc tiết kiệm năng lượng và sự cần thiết phải bảo tồn thiên nhiên.

Tắt đèn hưởng ứng chiến dịch "Giờ Trái đất" tại Moskva (Nga) tối 30/3/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Tắt đèn hưởng ứng chiến dịch "Giờ Trái đất" tại Moskva (Nga) tối 30-3-2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Hưởng ứng Giờ Trái Đất, các công tình kiến trúc lớn trên thế giới, trong đó có trụ sở của Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), các kim tự tháp ở Ai Cập và tượng Chúa cứu thế ở Rio đã tắt đèn trong một giờ đồng hồ trong ngày 30-3 nhằm kêu gọi nhận thức về tình trạng biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu đối với hành tinh của chúng ta.

Được Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tổ chức, sự kiện Giờ Trái Đất lần thứ 13 năm nay chứng kiến hàng triệu người ở 180 quốc gia trên thế giới hưởng ứng tắt đèn vào lúc 20 giờ 30 để nhấn mạnh việc tiết kiệm năng lượng và sự cần thiết phải bảo tồn thiên nhiên.

Sự kiện diễn ra sau khi giới chuyên gia đưa ra một số cảnh báo khẩn thiết nhất từ trước tới nay về nguy cơ đối với môi trường và các loài sinh vật trên Trái Đất.

WWF nhấn mạnh: "Chúng ta là thế hệ đầu tiên biết rằng chúng ta đang hủy hoại thế giới. Và chúng ta có thể là thế hệ cuối cùng có thể làm một điều gì đó đối với tình trạng này. Chúng ta có những giải pháp. Chúng ta chỉ cần những tiếng nói cất lên được lắng nghe."

Hàng chục công ty trên khắp thế giới đã cam kết tham gia chiến dịch Giờ Trái Đất năm nay, theo đó, từ khu tổ hợp Singapore Skyline, khu cảng Victoria Harbour ở Hong Kong (Trung Quốc), đến Cổng Brandenburg ở Berlin (Đức), nhà thờ Thánh Peter tại Vatican, Nhà hát Degollado ở Guadalajara (Mexico)... đều tắt đèn trong Giờ Trái Đất.

Nhiều tòa nhà lớn trên thế giới cũng hưởng ứng sự kiện này như Nhà hát Sydney (Australia), tháp Eiffel và Khải Hoàn Môn ở Paris (Pháp), tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa ở Dubai, Acropolis ở Athens (Hy Lạp), tháp Thượng Hải (Trung Quốc), Điện Kremlin ở Moskva (Nga)...

Trong báo cáo "Hành tinh Sống" tháng 10-2018, WWF cho biết 60% các loài động vật có xương sống - như cá, chim, động vật lưỡng cư, bò sát và động vật có vú - đã biến mất vì các hoạt động của con người từ năm 1970.

Ký hiệu "60+" của sự kiện Giờ Trái Đất thể hiện thông điệp này.

Giờ Trái Đất được tổ chức lần đầu tiên tại Australia vào năm 2006 với 2 triệu người tham gia. Đến năm 2018, chiến dịch này đã nhận được sự hưởng ứng của hơn 7.000 thành phố tại 187 quốc gia với 2,2 tỷ người tham gia.

Dù hành động tắt đèn chỉ mang tính biểu tượng, Giờ Trái đất đã thúc đẩy thành công nhiều dự án xanh trong vòng 10 năm qua, như bảo tồn thiên nhiên tại quần đảo Galapagos và trồng hơn 17 triệu cây xanh tại Kazakhstan.

  • Từ khóa
79661

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu