Thứ 7, 20/04/2024 08:06:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 10:18, 13/02/2018 GMT+7

Các tiêu chí để đạt chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông

Thứ 3, 13/02/2018 | 10:18:00 239 lượt xem
BPO - Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa công bố dự thảo thông tư về việc ban hành quy định chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành và nhân dân trong cả nước. Theo dự thảo thông tư này, chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông bao gồm các tiêu chí sau:

Tiêu chuẩn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống:

Hiệu trưởng có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và lương tâm nghề nghiệp trong sáng, có lối sống và cách ứng xử chuẩn mực. Cụ thể, về phẩm chất chính trị: Gương mẫu chấp hành và tổ chức triển khai có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong nhà trường. Đạo đức: Công bằng, bao dung, vị tha, tôn trọng người khác; trung thực, trách nhiệm với công việc. Lối sống: Lối sống lành mạnh, chân thành, giản dị, gần gũi với đồng nghiệp, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng.

Hiệu trưởng có lối sống lành mạnh, chân thành, giản dị, gần gũi với đồng nghiệp, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng (Hình minh họa) - Ảnh: H.L

Tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học:

Hiệu trưởng vững vàng về chuyên môn; am hiểu nghiệp vụ sư phạm, quản trị nhà trường; sử dụng được ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường. Cụ thể, về trình độ chuyên môn: Đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định. Nghiệp vụ sư phạm: Có kiến thức, kỹ năng về nghiệp vụ sư phạm, hỗ trợ giáo viên phát triển nghiệp vụ sư phạm. Sử dụng ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với hiệu trưởng công tác ở vùng dân tộc thiểu số) và tin học: Sử dụng được ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc thiểu số) và ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc.

Tiêu chuẩn về năng lực quản trị nhà trường:

Hiệu trưởng điều hành các hoạt động của nhà trường có kế hoạch, quy trình thực hiện chuyên nghiệp và hiệu quả. Cụ thể, lập kế hoạch phát triển nhà trường. Tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường gồm: phân tích tình hình, mục tiêu, kết quả, hoạt động và điều kiện thực hiện phù hợp với bối cảnh cụ thể của nhà trường, của địa phương và định hướng của ngành Giáo dục. Quản lý hoạt động dạy học, giáo dục học sinh: Chỉ đạo đổi mới hoạt động dạy học, giáo dục trong nhà trường nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Quản trị tổ chức, hành chính: Xây dựng tổ chức, bộ máy nhà trường; chỉ đạo các tổ chuyên môn, tổ văn phòng và các thành viên trong nhà trường thực hiện nhiệm vụ hiệu quả; phối hợp với các tổ chức, đoàn thể thực hiện nhiệm vụ giáo dục. Quản trị nhân sự: Đề xuất để tuyển dụng được giáo viên, nhân viên có phẩm chất và năng lực chuyên môn tốt; tạo được động lực, cơ hội phát triển năng lực nghề nghiệp thường xuyên cho giáo viên, nhân viên trong nhà trường. Quản trị tài chính: Chỉ đạo lập dự toán, thực hiện thu chi, báo cáo, kiểm tra, công khai tài chính của nhà trường minh bạch, đúng quy định; khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính hợp pháp phục vụ nâng cao chất lượng giáo dục học sinh. Quản trị cơ sở vật chất - thiết bị giáo dục: Tổ chức huy động và khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị trong nhà trường phục vụ nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục học sinh. Quản lý chất lượng giáo dục: Tổ chức kiểm tra, đánh giá, liên tục cải tiến và chịu trách nhiệm giải trình về các hoạt động dạy học, giáo dục trong nhà trường; chất lượng giáo dục học sinh được nâng lên. Quản lý sự thay đổi, giải quyết vấn đề và ra quyết định: Tổ chức và quản lý các hoạt động trong nhà trường dựa trên nguyên tắc quản lý sự thay đổi, khuyến khích các ý tưởng và hành động đem lại sự thay đổi tích cực, định hướng thích ứng và lựa chọn ưu tiên giải quyết những khó khăn nhà trường gặp phải trong quá trình thực hiện sự thay đổi.

Tiêu chuẩn năng lực xây dựng môi trường giáo dục dân chủ

Hiệu trưởng chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, nếp sống văn hóa trong nhà trường chuẩn mực, bền vững. Cụ thể, xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong trường học: Chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong nhà trường hiệu quả, tạo điều kiện cho các chủ thể trong nhà trường tham gia, giám sát và có ý kiến về các hoạt động giáo dục. Xây dựng nếp sống văn hóa trong nhà trường: Chỉ đạo xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, lề lối làm việc, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đạo đức lối sống trong nhà trường phù hợp với bản sắc dân tộc địa phương, quốc gia và hội nhập quốc tế.

Tiêu chuẩn năng lực phát triển quan hệ xã hội:

Hiệu trưởng tổ chức hiệu quả các hoạt động xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa nhà trường với các bên liên quan trong giáo dục học sinh, phát triển nhà trường và cộng đồng. Cụ thể, phát triển mối quan hệ với cấp quản lý ngành: Tổ chức thực hiện, báo cáo và đề xuất giải pháp phù hợp có tính khả thi với cơ quan quản lý cấp trên về các hoạt động của nhà trường theo quy định. Phát triển mối quan hệ với cha mẹ học sinh: Tổ chức phối hợp, tư vấn, huy động cha, mẹ, người thân của học sinh tham gia các hoạt động giáo dục học sinh, phát triển nhà trường theo quy định. Phát triển mối quan hệ với chính quyền địa phương: Tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, đầu tư các nguồn lực phát triển nhà trường và tổ chức cho giáo viên, nhân viên, học sinh tham gia các hoạt động phát triển cộng đồng địa phương. Phát triển mối quan hệ với các cá nhân, tổ chức xã hội: Tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh tham gia các hoạt động xã hội và huy động các cá nhân, tổ chức xã hội hỗ trợ các hoạt động giáo dục học sinh, phát triển nhà trường. Thông tin, truyền thông: Tổ chức thông tin và nhận phản hồi từ các bên liên quan về hoạt động, kết quả giáo dục của nhà trường thông qua các kênh thông tin, truyền thông đa dạng nhằm kịp thời điều chỉnh các hoạt động của trường.

NN

  • Từ khóa
87502

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu