Thứ 6, 29/03/2024 21:25:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:39, 22/09/2014 GMT+7

Các kỳ Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Thứ 2, 22/09/2014 | 14:39:00 3,180 lượt xem
BPO - Ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng Minh - hình thức đầu tiên của Mặt trận dân tộc thống nhất (ngày nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Trải qua các thời kỳ cách mạng với những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam không ngừng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, trở thành một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Như vậy, từ Hội phản đế đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, đến nay Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trải qua hơn 84 năm xây dựng, phát triển, với 7 kỳ đại hội.

Đại hội lần thứ I (Nhiệm kỳ 1977-1983): Họp từ ngày 31-1 đến 4-2-1977 tại thành phố Hồ Chí Minh, hợp nhất 3 tổ chức Mặt trận: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đại hội đã hiệp thương, giới thiệu 191 vị tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đoàn Chủ tịch gồm 45 vị, Ban thư ký gồm 7 vị. Chủ tịch danh dự: Cụ Tôn Đức Thắng; Chủ tịch: Cụ Hoàng Quốc Việt.

Đại hội lần thứ II (Nhiệm kỳ 1983-1988): Họp từ ngày 12-5 đến 14-5-1983 tại thủ đô Hà Nội. Chương trình hành động của Đại hội là hướng mọi hoạt động của Mặt trận đi vào thiết thực, hướng về cơ sở, tới địa bàn dân cư. Đại hội cử ra Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa II gồm 184 vị, Đoàn Chủ tịch gồm 45 vị, Ban thư ký gồm 8 vị. Chủ tịch danh dự: Cụ Hoàng Quốc Việt. Chủ tịch: Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Tổng thư ký: Ông Nguyễn Văn Tiến.

Đại hội lần thứ III (Nhiệm kỳ 1988-1994): Họp từ ngày 2-11 đến 4-11-1988 tại thủ đô Hà Nội. Đây là Đại hội biểu dương lực lượng to lớn của toàn dân đoàn kết một lòng tiến hành công cuộc đổi mới. Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa III gồm 166 vị, Đoàn Chủ tịch gồm 30 vị, Ban Thư ký gồm 6 vị. Chủ tịch danh dự: Cụ Hoàng Quốc Việt; Chủ tịch: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ; Phó chủ tịch: Luật sư Phan Anh; Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký: Ông Phạm Văn Kiết.

Đại hội lần thứ IV (Nhiệm kỳ 1994 -1999): Họp từ ngày 17-8 đến 19-8-1994 tại thủ đô Hà Nội. Tham dự đại hội có hơn 600 đại biểu. Đại hội công bố chương trình 12 điểm “Đại đoàn kết dân tộc xây dựng và bảo vệ đất nước”. Đó là chương trình thể hiện ý nguyện của toàn Đảng, toàn dân quyết tâm chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh. Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IV gồm: 206 vị. Trong đó Đoàn Chủ tịch gồm 40 vị, Ban Thường trực Đoàn Chủ tịch gồm 7 vị. Chủ tịch danh dự: Ông Nguyễn Hữu Thọ; Chủ tịch: Ông Lê Quang Đạo; Tổng thư ký: Ông Trần Văn Đăng.

Đại hội lần thứ V (Nhiệm kỳ 1999 -2004): Họp từ ngày 26-8 đến 28-8-1999 tại Hội trường Ba Đình, thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 621 đại biểu và các đoàn đại biểu nước ngoài gồm: Mặt trận xây dựng đất nước Lào, Hội nghị hiệp thương chính trị toàn quốc nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp Trung Quốc), Ủy ban bảo vệ Cách mạng Cu Ba, Mặt trận đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Campuchia, Hiệp hội đoàn kết và phát triển liên bang Mianma. Chủ đề đại hội là: "Phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa". Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa V gồm 253 vị, Đoàn Chủ tịch gồm 45 vị. Ban Thường trực gồm 9 vị. Chủ tịch: Ông Phạm Thế Duyệt; Tổng thư ký: Ông Trần Văn Đăng.

Đại hội lần thứ VI (Nhiệm kỳ  2004-2009): Họp từ ngày 21-9 đến 23-9-2004 tại thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 878 đại biểu và các đoàn đại biểu nước ngoài gồm: Mặt trận Lào xây dựng đất nước, Chính Hiệp Trung Quốc, Ủy ban bảo vệ Cách mạng Cu Ba, Mặt trận Đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Campuchia. Chủ đề đại hội là Đại hội "Phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc nâng cao vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VI gồm 320 vị, Đoàn Chủ tịch gồm 52 vị. Ban Thường trực gồm 8 vị; Chủ tịch: Ông Phạm Thế Duyệt; Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký: Ông Huỳnh Đảm. Tại hội nghị lần thứ 5 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VI họp tại Hà Nội (1-2008) đã hiệp thương cử Chủ tịch Huỳnh Đảm (thay ông Phạm Thế Duyệt nghỉ hưu theo chế độ); Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vũ Trọng Kim.

Đại hội lần thứ VII (Nhiệm kỳ 2009-2014): Diễn ra từ ngày 28 đến 30-9-2009 tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự đại hội có 1.300 đại biểu; 4 đoàn đại biểu nước ngoài: Đoàn đại biểu Chính Hiệp Trung Quốc; Đoàn đại biểu Mặt trận Lào xây dựng đất nước; Đoàn đại biểu Mặt trận Đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia; Đoàn đại biểu Ủy ban Bảo vệ cách mạng Cu Ba và trên 100 đại biểu đại diện các Đại sứ quán của các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam. Chủ đề của Đại hội là “Nâng cao vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VII gồm 355 vị, Đoàn Chủ tịch gồm 58 vị. Ban Thường trực gồm 9 vị. Chủ tịch: Ông Huỳnh Đảm; Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký: Ông Vũ Trọng Kim.

Năm 2014 sẽ diễn ra Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII. Đây là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đang tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức mới. 

LG (Tổng hợp)

  • Từ khóa
11753

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu