Thứ 5, 25/04/2024 21:44:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 15:58, 05/08/2014 GMT+7

Các em thật sự xứng đáng!

Thứ 3, 05/08/2014 | 15:58:00 150 lượt xem
BP - Hai tuần qua, nhiều trường đại học, cao đẳng trong cả nước đã công bố kết quả tuyển sinh năm học 2014-2015. Dù chưa có con số chính thức, nhưng điều khiến mọi người cảm động là nhiều em hoàn cảnh khá đặc biệt, nhưng đã kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách để không chỉ đậu đại học mà còn đạt các danh hiệu thủ khoa, á khoa.

Đó là hai anh em song sinh mồ côi cha, Nguyễn Phương Nam và Nguyễn Ngọc Hòa ở thôn Lưu Đông, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội cùng đậu thủ khoa các trường Đại học Khoa học tự nhiên và Đại học Kiến trúc.

 Bố mất sớm, mẹ phải đi làm ăn xa, nhiều năm qua, ba chị em phải sống dựa vào tiền lương hưu ít ỏi của ông bà nội. Bởi thế, biết tin đậu đại học - dù là thủ khoa, cả hai em thấy lo nhiều hơn là mừng. Đó là em Nguyễn Văn Tuân, học sinh trường THPT Ứng Hòa B (Hà Nội), thủ khoa Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), với tổng điểm 3 môn 28,5. Gia đình Tuân thuộc diện cận nghèo, nhưng Tuân đã vượt lên hoàn cảnh và đậu thủ khoa trong niềm tự hào của gia đình. Em Nguyễn Đình Thành, học sinh lớp 12C1, trường THPT Đặng Thúc Hứa, huyện Thanh Chương (Nghệ An) là một trong 3 thủ khoa khối B, hệ quân sự, Học viện Quân y phía Bắc với 28,5 điểm. Thành sinh ra trong gia đình nghèo khó, bố mẹ lam lũ với 3 sào ruộng và nửa hécta chè. Hiểu hoàn cảnh bố mẹ vất vả chắt chiu từng đồng để nuôi hai anh em ăn học nên Thành và em trai luôn động viên nhau học thật giỏi...

Nhớ mùa thi năm trước, báo chí đã gây nên “cơn sốt” khi đưa tin về hoàn cảnh thủ khoa Đại học Y Hà Nội - em Nguyễn Hữu Tiến có người cha suốt mười năm sống vạ vật trên vỉa hè Hà Nội, thậm chí sống trong ống cống, làm đủ nghề để nuôi con ăn học. Và để đền ơn cha, dù trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn thiếu thốn, hai anh em Tiến và Tiền đã nỗ lực học tập. Kết quả là một em đậu thủ khoa Đại học Y Hà Nội với số điểm 29,5 và một em đậu Đại học Bách khoa trong cùng một năm.

Nhìn chung, đa phần những em có kết quả học tập cao đều sinh ra, lớn lên trong cảnh nghèo khó, éo le, hoặc bố mẹ làm ruộng nên không có điều kiện ăn học. Nhưng điểm chung là các em đều rất thương cha mẹ. Chính điều này là động cơ thôi thúc các em vượt lên hoàn cảnh, nỗ lực học tập để đền đáp. Ngoài học tập, các em còn chịu khó làm mọi việc để giúp cha mẹ, không đòi hỏi bất cứ điều gì. Dù chưa hoàn toàn trưởng thành, nhưng các em đã bộc lộ nghị lực, ý chí, là những người vừa có tài, lại có tâm, có đức, là những công dân ưu tú của nước nhà. Bởi thế, khi báo chí phản ánh, các em thường được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ. Nhiều em được các doanh nghiệp hỗ trợ toàn phần trong suốt quá trình đại học và sẵn sàng nhận về sau khi tốt nghiệp. Thật xúc động khi qua báo chí, nhiều người dù ở rất xa đã ngỏ ý xin địa chỉ của những em vừa đỗ đầu các trường đại học để gửi tặng quà hoặc hỗ trợ một phần kinh phí, nhằm giúp đỡ các em cùng gia đình. Đó là tình cảm rất tự nhiên của một dân tộc thông minh, hiếu học. Đó cũng là dấu hiệu tích cực của một xã hội học tập mà Đảng, Nhà nước ta đang hướng tới.

 Và các em thực sự xứng đáng được nhận sự quan tâm, giúp đỡ ấy.    

T.N

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu