Thứ 5, 25/04/2024 23:11:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 08:54, 19/07/2013 GMT+7

Các dân tộc đều bình đẳng trước pháp luật

Thứ 6, 19/07/2013 | 08:54:00 87 lượt xem

* Nội dung của Điều 5 (sửa đổi, bổ sung Điều 5) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định như sau: 1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. 2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. 4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước.

Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì quy định như trên là đúng, nhưng chưa đầy đủ, chưa cụ thể và khó hiểu. Cụ thể là tại Khoản 2 có nội dung như sau: 2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Để quy định này được dễ hiểu và có nội dung cụ thể, tôi đề nghị bổ sung từ “đều” trước cụm từ “bình đẳng” và thêm cụm từ “trước pháp luật” ngay sau cụm từ “bình đẳng”. Như vậy, Khoản 2 của điều này được viết lại như sau: 2. Các dân tộc đều bình đẳng trước pháp luật, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.

Xuất phát từ quan điểm trên, tôi đề nghị Khoản 3 của điều này cũng cần được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể là cần bổ sung cụm từ “riêng của dân tộc mình” vào trước cụm từ “chữ viết”. Nếu quy định như vậy vừa thể hiện sự bình đẳng giữa các dân tộc về pháp luật và cả về chữ viết, tiếng nói. Do đó, Khoản 3 của điều này được viết lại như sau: Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết riêng của dân tộc mình, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.

* Khoản 1 và Khoản 3 của Điều 8 (sửa đổi, bổ sung Điều 8) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nội dung như sau: 1. Nhà nước tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ... 3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật, phòng, chống các hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Theo tôi thì cách viết như trên vừa thiếu lại vừa thừa và làm cho các quy định khó hiểu hơn.

Vì vậy, tôi đề xuất ở ngay đầu của Khoản 1 cần được bổ sung từ “được” vào ngay sau cụm từ “Nhà nước” và bổ sung cụm từ “tuân thủ” sau cụm từ “hoạt động”, đồng thời bỏ bớt từ “và” trong khoản này. Cụ thể là từ “và” ở đầu câu, ngay sau cụm từ “tổ chức”. Ở Khoản 3 của điều này, tôi đề nghị bỏ cụm từ “phòng, chống”, mà thay vào đó bằng cụm từ “nghiêm cấm”. Như vậy, Khoản 1 và Khoản 3 của Điều 8 sẽ được viết lại như sau: 1. Nhà nước được tổ chức và hoạt động tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ... 3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật, nghiêm cấm các hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật.

* Nội dung của Điều 11 (sửa đổi, bổ sung Điều 13) trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 có quy định như sau: 1. Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. 2. Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị theo pháp luật. Theo tôi thì cách diễn đạt ở điều này không ổn. Vì, Hiến pháp là đạo luật gốc, là đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất, nên cần có sự thống nhất về khái niệm, ngôn ngữ và cách diễn đạt. Cụ thể là tại Điều 1 của dự thảo đã quy định: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Và tại Khoản 1, Điều 5 đã một lần khẳng định tên nước là: 1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Thế nhưng đến Khoản 1, điều 11 trong dự thảo lại đưa ra khái niệm khác, cách gọi khác về nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cụ thể, Khoản 1, Điều 5 như sau: 1. Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Vì vậy, tôi đề xuất ngay đầu Khoản 1 cần được bổ sung cụm từ “nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa” thay cho cụm từ “Tổ quốc”. Do đó, Khoản 1, điều này được viết lại như sau: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm.

Ở Khoản 2 của điều này, tôi đề xuất nên bổ sung thêm cụm từ “âm mưu” vào trước từ “mọi”. Vì, lịch sử dân tộc ta đã chứng minh, mọi hành vi của các thế lực thù địch, phản động muốn chống đối, phá hoại cách mạng nước ta bao giờ cũng hình thành từ các âm mưu thâm độc. Do đó, chúng ta phải luôn luôn phòng ngừa và loại trừ ngay từ lúc mới manh nha. Xuất phát từ quan điểm trên, tôi đề xuất Khoản 2 của điều này được sửa đổi, bổ sung và viết lại như sau: Mọi âm mưu, hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị theo pháp luật.

Nhật Minh (Phú Riềng)

  • Từ khóa
108232

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu