Thứ 3, 16/04/2024 21:07:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:44, 14/11/2018 GMT+7

Các cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu trong sử dụng rượu bia

Thứ 4, 14/11/2018 | 15:44:00 1,099 lượt xem
BPO - “Để việc phòng chống rượu bia hiệu quả thì cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu đi đầu và phải bổ sung cơ quan chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước và danh mục các địa điểm không được sử dụng rượu bia”. Đó là đề xuất của đại biểu Huỳnh Thành Chung, Đoàn ĐBQH Bình Phước khi thảo luận vể dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Cam kết của Việt Nam liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia là đến năm 2030 giảm 20 đến 25% số người chết trước 70 tuổi do các bệnh không lây nhiễm; giảm 10% tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại.

Để thực hiện cam kết này, đại biểu Huỳnh Thành Chung cho rằng: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là công cụ pháp lý mạnh mẽ nhất để thực hiện. Tuy nhiên, các quy định trong dự thảo luật chưa thật đủ tầm để làm thay đổi nhận thức về tác hại của rượu bia, nhất là việc quy định về tuổi được sử dụng, mua bán rượu bia. Việc quy định không bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18 tuổi là không phù hợp. Vì từ 18-22 tuổi các em vẫn còn ở trên ghế các trường đại học, cao đẳng, hay trung học chuyên nghiệp và là giai đoạn cuối của phát triển thể chất. Cần nâng độ tuổi này lên từ 21-22 tuổi.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Chung phát biểu trong buổi thảo luận tại tổ

Đưa ra quy định của Singapore là không được kinh doanh rượu bia sau 21 giờ và nhiều nước châu Âu là sau 22 giờ, đại biểu Huỳnh Thành Chung đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào luật giới hạn thời gian kinh doanh rượu bia. Vì điều kiện, văn hóa, thói quen chúng ta chưa thể áp dụng ngay, nhưng phải đặt ra lộ trình để thực hiện.

Về các trường hợp không được uống rượu bia, ngoài cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người dưới 18 tuổi, trường giáo dưỡng, trại giam, trại tạm giam đã được quy định trong luật, đại biểu Huỳnh Thành Chung đề xuất thêm cơ quan chính phủ, cơ quan hành chính các cấp ở địa phương không sử dụng rượu bia dưới mọi hình thức, vì cán bộ, công chức viên chức phải gương mẫu, đi đầu.

Theo ước tính, chi phí bỏ ra cho việc phòng chống tác hại rượu bia, trong đó có bệnh tật, tai nạn, không có việc làm mỗi năm khoảng 65 nghìn tỷ đồng, do vậy, đại biểu Chung đề nghị phải đưa tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của rượu bia vào trong luật. Quy định này sẽ là chế tài để ngăn chặn và xử lý sản xuất, kinh doanh rượu bia không nguồn gốc, chất lượng tràn lan như hiện nay.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia trình Quốc hội lần này được kỳ vọng làm thay đổi hành vi uống rượu bia, tăng ý thức doanh nghiệp về kinh doanh rượu bia.

Trần Thể

  • Từ khóa
24195

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu