Thứ 6, 19/04/2024 09:33:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 08:41, 27/09/2015 GMT+7

Ca sĩ Hồng Nhung tiếc con mình không thấy tê giác ở VN

Chủ nhật, 27/09/2015 | 08:41:00 914 lượt xem
BPO - Sau ngày bi thảm chứng kiến cái chết của hai mẹ con tê giác và một thai nhi, ngày hôm sau chúng tôi đến thăm trại nuôi dưỡng cứu hộ tê giác trong rừng Kruger.

Ca sĩ Hồng Nhung và Hà Anh Tuấn bên chú tê giác Rudy yếu ớt giữa sự tàn bạo của con người - Ảnh Hồng nhung cung cấp Ca sĩ Hồng Nhung và Hà Anh Tuấn bên chú tê giác Rudy yếu ớt giữa sự tàn bạo của con người - Ảnh Hồng nhung cung cấp

Quanh các chuồng đều có camera để các bác sĩ ngày đêm theo dõi được mọi hành vi của các tê giác, xác định được mức độ thích nghi của từng con.Dạo quanh khu chuồng nuôi cùng giáo sư tiến sĩ Marcus Hafmeyr, chúng tôi được biết các em bé tê giác bơ vơ vì mất mẹ mà vẫn còn tuổi bú sữa được chuyển về đây, cho bú sữa bình và được nhốt cùng một chuồng với một tê giác cái trưởng thành. 

Có cả loa phát nhạc nhè nhẹ để tránh cho các tê giác mới đến không nghe thấy tiếng người xào xạc xung quanh...

Những trường hợp khó khăn nhất là khi mang về một tê giác mới bị cắt sừng, còn sống sót, họ phải khám nghiệm và quyết định có thể cứu chữa được không, hay phải bắn chết để tê giác không phải chịu đau đớn quá lâu.

Cũng có những tê giác khỏe mạnh ở những vùng mật độ săn bắn dày đặc quá, được bắt về những vùng được cho là ít nguy hiểm hơn.

Ấy là trường hợp của em Rudy mà chúng tôi được gặp, được sờ lên sừng, sờ lên làn da tưởng là sù sì cứng ráp mà hoá ra lại mềm mại như là một lớp nỉ dày!

Nhìn Rudy chầm chậm ăn mớ cỏ khô cô Milanda cho (người chăm sóc em mỗi ngày) tôi không khỏi xót xa.

To lớn là thế, hùng dũng là thế, mà ở ngay trong nhà của mình, nơi thượng đế ban cho cuộc sống, bất cứ lúc nào cũng có thể bị kết liễu cuộc đời bằng một viên đạn...

Tại khu rừng Kruger, bên cạnh biết bao người lính tình nguyện cầm súng vào rừng với mạng sống của chính mình bị đe doạ, là những giáo sư, bác sĩ, những người mang hết khả năng, kiến thức và tình yêu để cứu hộ, quyết bảo vệ loài tê giác đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Họ chuyển cả gia đình vào rừng, sống sát khu chuồng nuôi dưỡng, dồn toàn bộ tâm huyết cho nơi đây.

Trước khi chia tay, giáo sư bắt tay chúng tôi và nói: “Chúng tôi làm hết sức mình tại đây, nhưng nhu cầu tiêu thụ từ đất nước các bạn mới là nguồn gốc chính dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng của những con tê giác tội nghiệp này! Hãy làm gì cần để dừng hẳn việc buôn bán và sử dụng sừng tê giác!”.

Ở những nơi từng tiêu thụ sừng tê giác nhiều như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Hong Kong, nay nạn buôn bán và sử dụng sừng tê giác đã hoàn toàn chấm dứt do chính phủ đã công bố những nghiên cứu khoa học cho thấy sừng tê giác có thành phần cấu tạo giống như móng tay người, không hề có tác dụng y khoa gì.

Họ cũng loại bỏ sừng tê giác ra khỏi danh sách các công thức thuốc gia truyền, đồng thời phát động phong trào ngăn ngừa nhu cầu tiêu thụ. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện tại Việt Nam.

Tôi có hai con nhỏ Tôm và Tép. Khi được hỏi: “Con người nước nào?”, các cháu đáp: “Con người Việt Nam!”. Tôi tiếc cho những con người Việt Nam bé nhỏ này sẽ không bao giờ còn thấy tê giác trong tự nhiên trên đất nước của mình (tê giác cuối cùng đã bị giết vào năm 2010).

Hi vọng khi lớn lên, chúng không phải ngậm ngùi khi tên Việt Nam đứng đầu trong danh sách các nước có nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác trên thế giới, dẫn đến sự tuyệt chủng hoàn toàn của loài động vật hoang dã quý hiếm này!

Chúng tôi nán lại với những chú tê giác đang được chăm sóc, đang được an toàn, mà không biết số phận chúng sẽ ra sao sau khi được thả lại cuộc sống hoang dã vốn là môi trường sống thượng đế ban cho chúng.

Tương lai của chúng nằm trong tay loài động vật tiến hóa nhất, nhân bản nhất, văn hóa nhất: con người!

Hãy làm gì cần để dừng hẳn việc buôn bán và sử dụng sừng tê giác! 

Nguồn TTO

  • Từ khóa
108151

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu