Thứ 4, 17/04/2024 04:47:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:59, 04/04/2014 GMT+7

Đổ xô tìm đào cây lồng mức

Thứ 6, 04/04/2014 | 08:59:00 4,251 lượt xem

Mấy năm trở lại đây, khi hồ tiêu được giá, nông dân đua nhau trồng tiêu. Trụ làm bằng xi măng, gạch ít được người dân lựa chọn vì giá thành cao. Với những ưu điểm riêng, cây lồng mức làm trụ sống trồng tiêu được nông dân áp dụng ngày càng nhiều. Vì vậy, vào những ngày cuối mùa khô, người dân các xã ở huyện Đồng Phú lại đua nhau đi đào lồng mức.


NHỌC NHẰN ĐÀO LỒNG MỨC

Những ngày cuối tháng 3, tiết trời oi bức, nhiều người dân ở các xã Tân Lập, Tân Tiến lại tranh thủ đi đào cây lồng mức tại nhiều nơi như: rừng Mã Đà, tỉnh Đồng Nai; huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh; các huyện Phú Giáo, Bến Cát, tỉnh Bình Dương... về bán cho những gia đình có nhu cầu trồng mới vườn tiêu. Ông Lê Viết Nam (45 tuổi) ở ấp 3, xã Tân Lập vừa về từ chuyến đi rừng Mã Đà kể: “Cây lồng mức chỉ sống được khi trồng vào mùa khô. Vì vậy, tôi phải tranh thủ từng ngày, dù thời tiết khô hạn, nắng nóng cũng đi đào cây về bán cho người trồng tiêu”. Để kiếm được 20 cây lồng mức, ông Nam và những người bạn phải đi vào rừng Mã Đà từ 6 giờ sáng. Hành trang của mỗi người gồm: Xe honda, xà beng, rựa và can nước uống.

Ông Lê Viết Nam và những bạn đồng hành trên đường vận chuyển cây lồng mức từ rừng Mã Đà (tỉnh Đồng Nai) về

Mỗi cây lồng mức được đào lên mất khoảng 30-40 phút, tùy vào độ cứng của đất và bộ rễ cây. Năm nay nhờ giá hạt tiêu cao, nhu cầu trồng tiêu tăng nên giá cây lồng mức tăng theo. Ông Nam nhớ lại: “Năm trước, giá lồng mức khoảng 20 ngàn đồng/cây. Năm nay lên 25 đến 30 ngàn đồng/cây nên những người đi tìm lồng mức cũng kiếm thêm được chút đỉnh”. Ông Nam có 3 con đang đi học. Gánh nặng gia đình còn nhiều nên dù bị vôi hóa cột sống, ông vẫn mải miết với cuộc mưu sinh.

Với nhiều ưu điểm, cây lồng mức được rất nhiều hộ trồng tiêu tìm mua. Lồng mức thường mọc tại những khu đất hoang và trong các khu rừng. Người làm nghề này phải rong ruổi qua rất nhiều nơi, tốn không ít công sức để bứng cây sao cho đúng kỹ thuật, tiêu chuẩn người trồng tiêu yêu cầu. Với những người mới vào nghề, không có kinh nghiệm thì sau chuyến đi dài, nhiều cây do không đạt tiêu chuẩn về độ cao trụ, chiều dài bộ rễ nên không được chủ vườn mua. Theo các anh em đi làm buổi đầu tiên, anh Trần Mạnh Khương (35 tuổi) ở ấp 4, xã Minh Lập còn gượng gạo. Hôm nay anh Khương đào được 20 cây lồng mức, nhưng gần nửa số đó không bán được vì cây không đạt chuẩn. Sau khi trừ tiền xăng xe hết 100 ngàn, anh Khương thu chưa được 200 ngàn đồng/ngày công lao động. “Rảnh rỗi, nông nhàn thì mình tranh thủ đi kiếm thêm thu nhập. Mai mốt hết người mua lồng mức, mình lại đi làm công nhân hoặc lượm điều mướn” - anh Khương chia sẻ.
 

TRỤ LỒNG MỨC ĐƯỢC ƯA CHUỘNG

Theo đánh giá của nhiều nhà vườn trồng tiêu, lồng mức là loại cây có ưu thế hơn so các trụ “chết” vì cây có tuổi thọ cao và khả năng che mát tốt. Đồng thời, vỏ thân cây xù xì giúp tiêu dễ bám chắc, thân mọc thẳng, lá rụng dễ phân hủy tạo chất mùn cải tạo đất.

Anh Lưu Duy Xuân ở ấp 5, xã Tân Lập có hơn 1.500 nọc tiêu đang thời kỳ ra trái, trong đó có hơn 1.000 trụ trồng bằng cây lồng mức. Biết đến mô hình trồng tiêu trên trụ “sống” từ những ngày đầu mua vườn nhưng anh vẫn lo ngại và chần chừ chưa áp dụng. Ban đầu anh trồng thử tiêu trên 100 trụ sống là cây lồng mức, sau thấy hiệu quả anh nhân rộng dần. Anh Xuân chia sẻ: “Loại trụ bằng cây lồng mức có tuổi thọ cao, dễ sống. So việc trồng trụ chết trước đây, tôi thấy trồng trụ sống cho tiêu vừa tiết kiệm chi phí vừa hạn chế tỷ lệ mắc bệnh của tiêu, năng suất tương đương hoặc cao hơn”.

Anh Nguyễn Ngọc Hoan ở ấp 8, xã Tân Tiến cũng trồng tiêu trên cây lồng mức. Năm nay anh mở rộng diện tích vườn thêm 200 trụ, nâng tổng diện tích vườn tiêu lên gần 600 trụ. Anh Hoan cho biết: “Từ trước tết, tôi đã gọi điện đặt hàng những người đi đào lồng mức. Vì ra tết, kiếm được trụ sống trồng tiêu rất khó”. Theo anh Hoan, trồng trụ sống bắt buộc phải trồng thêm trụ tạm. Do trụ sống mới trồng còn yếu nên cần trồng cây trụ tạm cùng lúc với trồng tiêu (sau 2-3 tháng). Cây trụ tạm phải tốt để tiêu có thể leo bám trước khi nọc sống đủ lớn, vững chắc cho tiêu bám.

Để đảm bảo vườn tiêu trồng trên trụ sống sinh trưởng tốt, đồng đều, cho năng suất cao, anh Hoan cho biết, người trồng tiêu phải chú ý các biện pháp kỹ thuật về thời gian trồng, khoảng cách trồng giữa hồ tiêu và trụ sống. Hàng năm nên tỉa cành, ngọn để cây tái sinh tạo bóng mát cho vườn tiêu, đồng thời chú ý không để ngọn dây tiêu trùm lên ngọn trụ sống, gây hãm ngọn.

Thanh Thủy - Tường Linh

  • Từ khóa
37309

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu