Thứ 5, 25/04/2024 14:00:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 17:10, 27/03/2018 GMT+7

Cà kheo trong đời sống đồng bào DTTS

Thứ 3, 27/03/2018 | 17:10:00 427 lượt xem
BP - Từ lâu, cà kheo tồn tại trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng cao Bình Phước như ở các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Đăng... Cà kheo đã trở thành nét văn hóa truyền thống của đồng bào và là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong lễ, hội.

Môn thể thao “mê hoặc”

Cấu tạo cà kheo đơn giản. Thân là những đoạn tre hoặc lồ ô già, thẳng, đặc. Chỗ đặt chân được cột chặt bằng 2 cái khấc, cũng làm từ tre, lồ ô hay gỗ, tạo bàn đạp cho người đứng lên. Tùy khả năng của mỗi người mà khấc đặt cao hay thấp. Tuy nhiên, đi được cà kheo không dễ. Người mới tập thường khó giữ thăng bằng trên không, tay và chân phải phối hợp nhịp nhàng, cần có sự giúp đỡ, hướng dẫn của người biết đi cà kheo giỏi.

Niềm vui cà kheo em của Hoàng Danh Dự

Em Hà Thị Hằng, dân tộc Thái, ấp Hiệp Hoàn A, xã Lộc Hiệp (Lộc Ninh) là người về nhất nội dung 200m nữ tại Liên hoan Văn hóa - Thể thao đồng bào các DTTS tỉnh Bình Phước lần thứ 5, năm 2017. Em Hằng cho biết: “Thấy cha mẹ, người lớn trong ấp đi cà kheo như chạy, thậm chí đi được một kheo, em cũng muốn tập. Khi được người lớn giữ kheo cho đi, em hồ hởi lắm. Nhưng lúc thả ra để tự đi thì loạng choạng, em té không biết bao nhiêu lần”. Để hạn chế chấn thương cho con em, người lớn ở ấp Hiệp Hoàn A làm những cà kheo thấp hơn và hướng dẫn kỹ thuật cụ thể.

Biết đi cà kheo từ lúc 5 tuổi, Hoàng Danh Dự, 13 tuổi, dân tộc Tày, xã Minh Đức (Hớn Quản) rất háo hức với dụng cụ này. Dự nói: “Đi học về, em và các bạn trong ấp lại đi cà kheo, cùng cha mẹ lên rẫy cũng mang kheo. Đứng trên khấc 1,2m, người rạo rực, cơ tay, chân như cuộn lại, sẵn sàng bật chạy bất cứ lúc nào”.

Ngoài ra, cà kheo còn là công cụ hỗ trợ trong các bài múa rồng, lắc đầu rồng... của nhiều câu lạc bộ lân - sư - rồng. Anh Cao Sỹ Hùng, Trưởng câu lạc bộ lân - sư - rồng Hùng Nghĩa Đường nói: “Biểu diễn trên cà kheo rất lôi cuốn. Đường kính kheo nhỏ hơn nhiều lần trụ sắt, khán giả xem hầu như không để ý đến kheo mà chăm chú quan sát trên không tạo cảm giác hồi hộp, lo lắng và thán phục. Đây là lý do ngày càng nhiều câu lạc bộ tập đi cà kheo”. 

Truyền giữ nét đẹp cà kheo

Chúng tôi về ấp Hiệp Hoàn A và ấp Đồng Dầu (xã Minh Đức) những ngày cuối tháng ba, sáng sớm và chiều tối, trẻ em trong ấp ríu rít rủ nhau đi cà kheo khắp đường ấp.

Ngày trước, đường đất đỏ, đồi núi điệp trùng, dốc nối dốc, sình lầy, trơn trượt khó khăn đi lại, bà con DTTS vùng cao Bình Phước chọn đi cà kheo để ít bị té ngã, vận tốc nhanh gấp 3 lần đi bộ, chân và quần áo không bị bẩn trong mùa mưa. Nay đời sống phát triển, đường thôn, ấp, đường vào rẫy đã bê tông, nhựa hóa, bà con chỉ đi cà kheo trên một số con đường tự mở vào rẫy. Tuy nhiên, dụng cụ này vẫn mang lại cho người biết đi kheo tinh thần lạc quan, hứng khởi mỗi ngày, cùng sức khỏe bền bỉ.

 “Cà kheo được đưa vào thi đấu thường xuyên trong nhiều lễ hội, hội thi, hội thao, liên hoan cấp huyện, tỉnh. Và trong các lễ, hội, không chỉ người Thái, Tày, Nùng, Khơme giành giải cao, người S’tiêng - dân tộc bản địa ở Bình Phước cũng đoạt nhiều chiến thắng. Điều này góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa - thể thao trong đồng bào DTTS. 2 năm một lần, liên hoan văn hóa - thể thao các DTTS được tổ chức, là sân chơi, tập luyện của người ham mê cà kheo” - ông Trần Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Thể dục - Thể thao Bình Phước, chia sẻ. 

Trung Nhân

  • Từ khóa
93587

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu