Thứ 5, 25/04/2024 12:17:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 13:14, 22/02/2018 GMT+7

Bút ký: Biên giới vào xuân

Thứ 5, 22/02/2018 | 13:14:00 511 lượt xem
BP - Hăm tám tháng chạp, chúng tôi thực hiện chuyến công tác cuối cùng của năm Đinh Dậu tại các đồn biên phòng trên địa bàn 2 huyện Bù Đốp, Bù Gia Mập. Khởi hành từ thị xã Đồng Xoài lúc 5 giờ sáng, dừng chừng 15 phút ăn sáng ở Phước Long, xe chạy một mạch tới 7 giờ 30 phút thì đến Đồn biên phòng Đắc Ơ. Mỗi khi xe thắng gấp để lách qua những khúc cua tay áo, cô đồng nghiệp trẻ ở Hội Nhà báo tỉnh lại nghiêng ngả trên xe và nói, so với bữa đi tặng quà ở Kratie (Campuchia), bữa nay đi mệt hơn nhiều. Và cô phải nhắm tịt hai mắt, không nhìn ra ngoài để chống lại cơn buồn nôn.

Thiếu tá, Phó trưởng đồn Trần Văn Lượng và Chính trị viên phó Nguyễn Trọng Vượng đón chúng tôi với lời khen đến sớm hơn thời gian đã hẹn. Câu chuyện xoay quanh điều kiện sống cũng như tình hình hoạt động của đồn và công tác chuẩn bị đón tết của cán bộ, chiến sĩ. Đồn phó Trần Văn Lượng cho biết: Địa bàn đồn phụ trách là xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập), có 12 thành phần dân tộc thiểu số, chiếm 34% số dân trong xã, đời sống phần đông người dân còn nhiều khó khăn do trình độ dân trí thấp và còn một số phong tục tập quán lạc hậu. Trên địa bàn xã lại có tới 7 tôn giáo hoạt động nên cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đắc Ơ luôn bám sát địa bàn để nắm chắc tình hình nội - ngoại biên; giúp đỡ nhân dân xây dựng kinh tế, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đồng thời tăng cường phối hợp tuần tra để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Đã vài lần thăm Đồn biên phòng Đắc Ơ, nhưng đến bây giờ trở lại, câu chuyện thường được nhắc tới ở đây vẫn là chưa có điện lưới và thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Mà chẳng cần nghe các anh lãnh đạo đồn mô tả thì ai cũng hiểu thiếu hai thứ đó thì cuộc sống sẽ chật vật thế nào. Không có điện thì sinh hoạt tinh thần của cán bộ, chiến sĩ ra sao? Chính trị viên phó Nguyễn Trọng Vượng nhanh nhảu nói: Chúng tôi vẫn bảo đảm cán bộ, chiến sĩ trong đồn xem hết chương trình thời sự và đọc báo hằng ngày bằng nguồn điện máy nổ. Bởi thế các anh rất mừng khi các nhà báo mang tặng đồn một lượng lớn báo xuân. Với các anh, sách báo vừa là phương tiện giải trí, vừa là kênh thông tin quan trọng kết nối với bên ngoài. Ngoài đọc báo thì sinh hoạt tinh thần của cán bộ, chiến sĩ nơi đây là tập luyện các môn thể thao rèn thể lực.

Chiến sĩ Đồn biên phòng Đắc Ơ chăm sóc vườn rau

Từ nhiều năm qua, nước sinh hoạt ở Đồn biên phòng Đắc Ơ phải dựa hoàn toàn vào nguồn nước mưa và nước suối. Một đường ống dài kéo từ mép vườn rau xuống suối khoảng 500m nhưng dốc gần như dựng đứng. Thấy tôi có ý định thăm nguồn nước, anh Lượng “dọa”, chị mà xuống đó là không lên được đâu. Sức mấy em còn trẻ mà bơm nước tưới rau xong còn chẳng muốn xuống suối tắt máy bơm nữa là! Ở giữa một vùng bao la nắng gió nơi biên thùy nên nước sinh hoạt luôn là thứ quý giá. Dưới làn nắng gắt, mấy con heo lai rừng lấm láp đang trườn dưới vũng sình phía sau bếp để chống nóng. Nhưng mặc nắng với gió, vườn rau tự túc của bộ đội vẫn xanh tươi và thứ gì cũng có. Từ các loại rau canh như mồng tơi, dền, ngót, cải xanh, cải cúc đến những loại rau thơm, cây thuốc nam, cà chua lúc lỉu trái và cả bầu, bí nữa... Những lá rau ở đây tươi non, dày và mướt. Và để giữ được sự tươi non ấy, chắc hẳn từng anh lính biên phòng đã phải tằn tiện từ ca nước rửa mặt đến tắm giặt, sinh hoạt để dành nước tưới rau.

Thấy chúng tôi ngỏ ý muốn đi thăm một cột mốc, Đồn phó Trần Văn Lượng ái ngại nhìn đôi dép của cô bạn đồng nghiệp ở Hội Nhà báo tỉnh và nói sẽ đưa chúng tôi đến cột mốc gần và dễ đi nhất. Đó là cột mốc đôi 62. Dù là cột mốc “dễ đi nhất”, nhưng anh Lượng vẫn cẩn thận cử 3 chiến sĩ đi trước để dọn đường. Từ đường tuần tra biên giới vào địa điểm đặt cột mốc chưa đầy cây số đường rừng nhưng phải qua hai đoạn dốc. Dù các chiến sĩ đã dùng dao đi rừng tạo những bậc để xuống dốc, song chúng tôi phải rất vất vả mới qua được. Cột mốc đôi 62 đây rồi. Ngay sát chân cột mốc là dòng sông Đắk Quýt với dòng chảy rất xiết vào mùa mưa - nơi có nhiều đoạn phân định biên giới hai nước Việt Nam - Campuchia. Sau thủ tục lau rửa cột mốc, chúng tôi nghiêm trang thực hiện nghi thức chào cột mốc. Dù nắng rất gắt, anh em trong đoàn vẫn thay phiên nhau ghi lại những tấm hình lưu niệm. Tôi đã đứng trước cột mốc số 1 (Lạng Sơn), cột mốc số 118 (Cửa khẩu Xa Mát - Tây Ninh), cột mốc số 79 (Lộc Thịnh, Lộc Ninh) và lần này là cột mốc đôi 62 (Đắk Ơ), lần nào cũng thấy lòng rưng rưng xúc động, bởi mỗi cột mốc chủ quyền của quốc gia đều thấm đẫm máu xương của những người lính canh giữ bờ cõi và mang trong nó sự thiêng liêng cao cả không gì sánh được!

Chúng tôi chia tay cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đắc Ơ tại cột mốc đôi số 62 với cái nắm tay rất chặt của Đồn phó Trần Văn Lượng cùng nụ cười ỏn ẻn như con gái với chiếc răng khểnh rất duyên của chiến sĩ Phạm Xuân Tùng (quê Thái Bình) và Điểu Duy (quê xã Đắk Ơ). Anh Lượng quày quả trở về đồn để kiểm tra công tác hậu cần phục vụ tết thế nào. Anh nói ngày mai, hăm chín tết, anh sẽ tự tay gói bánh chưng vuông cho cán bộ, chiến sĩ trong đồn chứ không gói bánh tét như các năm trước nữa.

Cách Đồn biên phòng Đắc Ơ chừng hơn 20 cây số, ngay từ bên ngoài nhìn vào Đồn biên phòng Đắc Quýt đã thấy khang trang hơn nhiều. Từ đường tuần tra biên giới, con đường dẫn vào đồn chừng 10 cây số, bụi đất đỏ quẩn lên từng vầng lớn khi xe chạy qua. Khác với vẻ bụi bặm ngoài đường rừng, khuôn viên Đồn Đắc Quýt khá đẹp, mát mẻ và thoáng đãng. Đồn trưởng Nguyễn Thiện Ngân khoe đồn mới được sửa sang, nâng cấp năm ngoái nên sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ thuận tiện hơn trước. Đập vào mắt chúng tôi khi bước chân vào đồn là những bể chứa nửa chìm nửa nổi khá lớn để chứa nước mưa. Lại vẫn là nước! Anh Ngân nói, cái hơn ở Đồn Đắc Quýt là có điện lưới nhưng lại thua Đồn Đắc Ơ là không có nước suối để dùng. Vì thế đồn phải xây nhiều bể với dung tích lớn để chứa nước mưa thì mới đủ nước ăn từ mùa mưa này sang mùa mưa khác, bởi nguồn nước giếng khoan ở đây chứa nhiều khoáng chất và bị nhiễm phèn, Asen, chỉ có thể dùng tắm giặt. Có lẽ vì phải tắm giặt bằng nguồn nước nhiễm phèn cùng nhiều khoáng chất khác nên từ cán bộ đến chiến sĩ trong đồn, tóc ai cũng cứng như rễ tre.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đắk Ơ cùng các nhà báo thực hiện nghi thức chào cột mốc số 62 (2)

Đóng chân trên địa bàn xã Phước Thiện (Bù Đốp), nơi có 7 dân tộc anh em sinh sống, Đồn biên phòng Đắc Quýt có nhiệm vụ bảo vệ hơn 18,3km đường biên giới tiếp giáp Campuchia với 23 mốc giới, trong đó 3 mốc chính trên đất liền và 20 mốc phụ. Do đó, đồn luôn chủ động nắm chắc tình hình địa bàn để kịp thời ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu và hoạt động chống phá, xâm phạm chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Phía đối diện với Đồn Đắc Quýt là Đồn Ô Chum của lực lượng bảo vệ biên giới Vương quốc Campuchia. Anh Ngân cho biết mối quan hệ giữa Đồn Đắc Quýt với Đồn Ô Chum từ trước tới nay rất tốt. Khu vực đồn bạn đóng quân toàn là rừng, không có dân cư nên gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Vì thế, anh em trong đồn thường san sẻ với bạn. Ngoài duy trì giao ban định kỳ, các dịp lễ, tết của Campuchia, cán bộ, chiến sĩ Đồn Đắc Quýt thường sang tặng quà, chúc tết bạn. Thậm chí gia đình cán bộ bên Đồn Ô Chum có những việc vui buồn như cưới hỏi, tang ma... anh em Đồn Đắc Quýt đều sang chia vui, sẻ buồn với họ.

Bên cạnh việc tập luyện, sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ Đồn Đắc Quýt còn chủ động tăng gia sản xuất, tự chủ thực phẩm và quan tâm hỗ trợ đời sống người dân trên địa bàn đóng quân. Trong khuôn viên đồn trồng rất nhiều cây ăn trái như me, mít, xoài, sơ ri. Cũng giống ở Đồn Đắc Ơ, bất chấp nắng, gió khắc nghiệt vùng biên ải, vườn rau ở Đồn Đắc Quýt luôn xanh tốt với đủ loại bầu, bí, cải ngọt, mồng tơi, rau ngót... Đồn còn nuôi heo, bò, dê để chủ động nguồn thực phẩm, nâng cao đời sống cán bộ, chiến sĩ. Trong bữa cơm trưa ngày hăm tám tết, Đồn phó Bùi Văn Lượng khoe, chỉ có món thịt bò là mua, còn toàn bộ thực phẩm trên bàn ăn này đều là tự túc. Từ nguồn tăng gia sản xuất, ngoài cải thiện bữa ăn hằng ngày, dịp tết này mỗi cán bộ, chiến sĩ còn có thêm 3 triệu đồng nên anh em rất phấn khởi.

Chúng tôi bịn rịn chia tay cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đắc Quýt dưới cái nắng rát buổi xế chiều. Những vầng bụi đỏ khi xe chạy qua như đánh thức con đường rừng đang ngái ngủ. Những lô cao su thẳng tắp hai bên đường lùi dần về phía sau. Nắng bỏng rát nên máy lạnh dù đã mở hết công suất nhưng trong xe vẫn rất nóng. Chỉ cần vượt quãng đường hơn trăm cây số nữa thôi, chúng tôi sẽ trở về nhà để cùng người thân lo một cái tết sum vầy, đầm ấm. Biên ải lùi dần sau lưng cùng những người lính biên phòng đang ngày đêm lặng lẽ canh giữ phên giậu Tổ quốc và gìn giữ sự yên bình của đất nước!

Giao thừa Mậu Tuất 2018

Linh Tâm

  • Từ khóa
93494

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu