Thứ 3, 23/04/2024 12:29:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:08, 21/04/2015 GMT+7

Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21-4-1950 - 21-4-2015)

Bước trưởng thành của tổ chức những người làm báo Việt Nam

Thứ 3, 21/04/2015 | 14:08:00 2,087 lượt xem
BPO - Cách đây 65 năm, ngày 21-4-1950, tại An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên), trong điều kiện còn hết sức khó khăn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng với sự quan tâm của Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ, Hội Những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam) đã được thành lập tại thôn Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa.

NƠI CỘI NGUỒN

Ngay từ khi vừa giành được chính quyền về tay nhân dân (năm 1945), việc nước còn bộn bề nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ tới tổ chức của những người làm báo. Người đã giao cho đồng chí Xuân Thủy lúc bấy giờ là Chủ nhiệm Báo Cứu Quốc, đứng ra tập hợp các nhà báo, lập nên Đoàn báo chí Việt Nam.

Di tích lịch sử quốc gia địa điểm thành lập Hội nhà báo Việt Nam tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên

Ảnh: Đông Kiểm

Năm 1948, tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), lớp báo chí cách mạng đầu tiên mang tên nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng đã được mở với 45 học viên. Đến năm 1950, cả nước có 117 tờ báo được xuất bản để phục vụ cho các chiến trường và nhân dân. Ở Việt Bắc, tiêu biểu có tờ Cứu Quốc Quân của lực lượng quân đội chính quy và quân du kích; Báo Cứu Quốc - cơ quan của Đảng Lao động Việt Nam... Số lượng người tham gia viết báo lúc này có hơn 300 người. Dưới sự chỉ đạo của Tổng bí thư Trường Chinh, đồng chí Xuân Thủy được cử ra tổ chức Đại hội lần thứ nhất Hội Những người viết báo Việt Nam. Giữa những cánh rừng ở xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, ngày 21-4-1950, Hội Những người viết báo Việt Nam đã tổ chức đại hội lần thứ nhất. Việc ra đời một tổ chức thống nhất của những người làm báo đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của báo chí cách mạng nước ta. Ngày 21-4 đã được quyết định chọn làm Ngày truyền thống của Hội Nhà báo Việt Nam.

Xã Điềm Mặc có vinh dự lớn là ngày 20-5-1947, Bác Hồ đã đến đồi Khau Tý của xã, sau đó Người xây dựng căn cứ địa cách mạng tại Định Hóa và các huyện vùng giáp ranh. Trên địa bàn xã hiện có 24 điểm di tích lịch sử cách mạng, trong đó 5 điểm di tích lịch sử cấp quốc gia, 6 điểm di tích cấp tỉnh. Tháng 8-2004, Bộ Văn hóa - thông tin (nay là Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) đã quyết định công nhận nơi thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

BÁO CHÍ NGÀY NAY

Những nhà báo Việt Nam không bao giờ quên cội rễ nơi thành lập tổ chức của mình. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày thành lập hội, đông đảo những người làm báo trong cả nước lại hành hương về thăm nơi ra đời ngôi nhà chung của mình. Vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21-4-2010), đại diện giới báo chí cả nước đã tổ chức hành hương về xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc để khánh thành Nhà trưng bày di tích lịch sử của hội. Nhà trưng bày được xây dựng nằm trong quần thể di tích lịch sử cấp quốc gia, thiết kế 2 tầng, mỗi sàn rộng gần 100m2, tổng vốn đầu tư gần 1,2 tỷ đồng.

Từ cội nguồn cách đây 65 năm, ngày nay báo chí Việt Nam đã phát triển rất mạnh với 4 loại hình: báo in, báo hình, phát thanh và báo điện tử. Từ chỗ chỉ có khoảng 300 nhà báo, đến nay cả nước đã có gần 40.000 người làm việc trong lĩnh vực báo chí, trong đó khoảng 18.000 nhà báo được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ hành nghề; gần 22.000 hội viên nhà báo công tác tại 845 cơ quan báo chí, gồm 199 báo in (86 báo trung ương, 113 báo địa phương) và 646 tạp chí (513 tạp chí trung ương, 133 tạp chí địa phương); 1 hãng thông tấn quốc gia; 2 đài phát thanh, truyền hình quốc gia, 1 đài truyền hình của ngành, 64 đài phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố, trên 600 đài cấp huyện, hàng ngàn trạm truyền thanh cấp xã; có 98 cơ quan báo chí điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí, hàng ngàn trang thông tin điện tử của các tổ chức, doanh nghiệp... (*).

Tỉnh Bình Phước mặc dù mới được tái lập hơn 18 năm, nhưng cấp ủy, chính quyền tỉnh luôn quan tâm đặc biệt đến báo chí và đội ngũ những người làm báo. Đến nay, toàn tỉnh đã có hàng trăm người làm việc trong lĩnh vực báo chí, trong đó trên 100 hội viên hội nhà báo, với 91 nhà báo được cấp thẻ hành nghề. Báo chí Bình Phước đã, đang và tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Hà Thanh

(*) Số liệu của Hội Nhà báo Việt Nam

  • Từ khóa
12964

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu