Thứ 6, 29/03/2024 06:54:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:50, 21/08/2017 GMT+7

Bước tiến quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Thứ 2, 21/08/2017 | 13:50:00 2,016 lượt xem
BPO - Ngày 4-8-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 90-QĐ/TW của Bộ Chính trị, quy định tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị ban hành quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Đánh giá cán bộ, công chức là việc làm khó, rất nhạy cảm vì nó ảnh hưởng đến tất cả các khâu khác của công tác cán bộ. Việc đánh giá cán bộ không chỉ có ý nghĩa quyết định trong phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật mà còn là cơ sở để thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, giúp cán bộ phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm để tiến bộ không ngừng. Đối với cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì việc đánh giá, sử dụng lại càng phải cân nhắc kỹ càng hơn. Nói như vậy để thấy rằng, việc ban hành Quy định số 90-QĐ/TW của Bộ Chính trị, quy định tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý trong lúc này là vô cùng quan trọng.

Đánh giá cán bộ, công chức phải lấy hiệu quả công việc làm thước đo - Ảnh: Cẩm Liên

Thời nào cũng thế, đánh giá cán bộ, công chức phải dựa trên nhiều yếu tố, nhưng trước hết phải lấy hiệu quả công tác làm thước đo chủ yếu. Phải dựa vào những quy định cụ thể về tiêu chuẩn của từng chức danh và tiêu chí đánh giá đối với từng đối tượng cán bộ, công chức. Năng lực cán bộ, công chức thể hiện ở hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị của họ theo chức trách nhiệm vụ được giao. Vì vậy, để có thể đánh giá cán bộ, công chức khách quan, việc đánh giá cần được bổ sung những yếu tố định lượng, như thời gian hoàn thành công việc, những giải pháp sáng tạo trong công việc…

Theo Quy định 90-QĐ/TW của Bộ Chính trị, cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý phải là những cán bộ tuyệt đối không tham vọng quyền lực, nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc, là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt, không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi, và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.

Không thể phủ nhận những năm gần đây, công tác đánh giá cán bộ đã có nhiều đổi mới và thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, như bản thân cán bộ tự đánh giá; tập thể nơi công tác đánh giá; cơ quan, tổ chức theo dõi cán bộ đánh giá; cấp ủy nơi công tác và nơi cư trú đánh giá; cấp trên và cấp dưới đánh giá; các tổ chức đoàn thể mà cán bộ đó là thành viên đánh giá; rồi lấy ý kiến nhận xét, góp ý của quần chúng nhân dân… Với những quy định khá cụ thể đã được ban hành, hướng dẫn từ cấp trung ương đến cấp cơ sở, nhìn chung công tác đánh giá cán bộ đã được mở rộng, dân chủ hơn so với trước. Tuy nhiên, vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận công tác đánh giá cán bộ vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu và chậm được khắc phục. Đó là việc đánh giá cán bộ, công chức vẫn còn hình thức, chưa phản ánh đúng thực chất cán bộ, công chức; chưa lấy hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu trong đánh giá cán bộ; đánh giá còn cảm tính, xuê xoa, chiếu lệ, thiếu tinh thần xây dựng... Tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, cảm tính cá nhân, cục bộ địa phương hoặc bị các mối quan hệ khác chi phối trong đánh giá cán bộ đã làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác cán bộ. Ở nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều người công việc cứ “bình bình” nhưng vẫn được đánh giá hoàn thành xuất sắc  nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, không ít người đã được cất nhắc, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo. Mới đây, nhiều giảng viên trường Cao đẳng cộng đồng tỉnh Sóc Trăng bức xúc phản ánh việc một giảng viên của trường cầm dao đâm đồng nghiệp tại quán nhậu nhưng lãnh đạo nhà trường không những không xử lý trách nhiệm mà còn đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Phải đến khi dư luận phản ứng, cơ quan chức năng vào cuộc thì nhà trường mới kiểm điểm những cá nhân liên quan. Rồi vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh gây thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng vẫn được khen thưởng và liên tục được cất nhắc lên vị trí cao hơn… là minh chứng điển hình về thực trạng yếu kém trong công tác đánh giá cán bộ.

Trở lại việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 90-QĐ/TW quy định tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, dù đối tượng điều chỉnh của quy định này là không nhiều, nhưng đây là lực lượng rường cột, tinh hoa của Đảng, của đất nước nên sự tác động của quy định này sẽ không hề nhỏ. Lâu nay, Đảng chỉ dựa chủ yếu vào Điều lệ Đảng và quy định những việc đảng viên không được làm để quản lý đội ngũ cán bộ, nhưng những quy định đó còn chung chung, rất khó trong xử lý cán bộ, đảng viên cao cấp. Bởi thế, Quy định số 90-QĐ/TW là một bước tiến quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống suy thoái, tham nhũng, tiêu cực và tạo sự đồng thuận trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa
18689

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu