Thứ 5, 25/04/2024 23:36:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:10, 27/10/2019 GMT+7

Bước chuyển về chất ở Trường THPT Đắk Ơ

Chủ nhật, 27/10/2019 | 08:10:00 2,510 lượt xem
BP - THPT Đắk Ơ là ngôi trường vùng khó khăn của huyện Bù Gia Mập, nơi có đông học sinh dân tộc thiểu số, khó khăn theo học. Những năm đầu thành lập, trường từng đứng top sau về chất lượng, nhưng 3 năm trở lại đây đã vươn lên top đầu tỉnh về số lượng học sinh giỏi cấp tỉnh, thi đậu đại học điểm cao; nội bộ từ có biểu hiện mất đoàn kết chuyển biến thành chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Có được kết quả này phần lớn nhờ cách làm sáng tạo, quyết liệt, đột phá của Hiệu trưởng Lê Duy Bình từ khi về trường công tác.

VƯỢT LÊN KHÓ KHĂN

Hiệu trưởng Lê Duy Bình cho biết: Trường THPT Đắk Ơ thành lập ngày 1-1-2014 trên cơ sở tách ra từ Trường cấp 2-3 Đắk Ơ. Trường được lãnh đạo các cấp quan tâm đầu tư xây dựng trường lớp khang trang, mua sắm đầy đủ trang thiết bị đảm bảo công tác dạy và học. Tuy nhiên, trường đứng chân trên địa bàn vùng sâu, xa, biên giới với 30% học sinh dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, điểm đầu vào lớp 10 luôn thấp. Học sinh trường thuộc địa bàn 2 xã Đắk Ơ và Bù Gia Mập, hằng năm có khoảng 50% là con em hộ nghèo, khó khăn cần được hỗ trợ. Mặt khác, địa bàn rộng, giao thông cách trở, có nơi học sinh phải đi từ 15-25km mới đến trường... là những khó khăn ảnh hưởng đến công tác duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục. Những năm đầu thành lập, trường luôn có tỷ lệ học sinh nghỉ, bỏ học cao, chất lượng giáo dục đạt thấp.

Học sinh Trường THPT Đắk Ơ trong giờ học

Để thay đổi diện mạo ngôi trường là công việc hết sức nặng nề đối với thầy Hiệu trưởng Lê Duy Bình khi về nhận nhiệm vụ từ đầu học kỳ II, năm học 2016-2017. Thầy Bình chia sẻ: Việc cần làm đầu tiên khi về nhận công tác là phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận trong tập thể hội đồng sư phạm, đồng thời thắt chặt kỷ cương, nền nếp.

Đối với học sinh nghèo, khó khăn, có nguy cơ bỏ học, trường miễn giảm tiền học thêm; những học sinh vượt khó học tốt, đạt thành tích cao trong học tập, đạt giải các kỳ thi được tuyên dương, khen thưởng kịp thời. Đối với học sinh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo được trường vận động thầy cô, các lớp nuôi heo đất quyên góp ủng hộ. Riêng năm học 2018-2019, trường miễn giảm tiền học thêm, dạy thêm cho 163 lượt học sinh, với gần 103 triệu đồng. Trường quyên góp ủng hộ từ thiện 175 triệu đồng, trong đó xây dựng 1 căn nhà tình thương cho gia đình em Trần Tuấn Anh, lớp 11A3, số tiền 30 triệu đồng; hỗ trợ em Đỗ Thị Thanh Xuân, lớp 10A7, mắc bệnh hiểm nghèo 21 triệu đồng...

TIẾP BƯỚC CHO HỌC SINH NGHÈO

Em Điểu Thị Ngân, lớp 12A2 thuộc hộ nghèo nhiều năm liền, gia đình không có đất sản xuất, cha mẹ làm thuê kiếm sống. Tuy nhiên, Ngân được cha mẹ quan tâm, tạo điều kiện học tập; được thầy cô, nhà trường yêu quý, luôn dành những phần quà, suất học bổng trao tặng. Đáp lại những tình cảm đó, Ngân tự giác vươn lên học tập và đạt nhiều thành tích cao. Trong 2 năm lớp 10 và 11, Ngân đều là học sinh khá, giỏi. Đặc biệt, năm lớp 10, em đoạt huy chương đồng Olympic 19/5 cấp tỉnh môn Văn; năm lớp 11, em tiếp tục đoạt huy chương đồng Olympic 19/5 cấp tỉnh và xuất sắc đoạt giải nhì cấp tỉnh môn Văn. Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Văn lớp 12 năm học 2019-2020, Ngân đoạt giải khuyến khích.

Sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng được nhà trường quan tâm, tạo điều kiện, em Ngô Thị Thu Trang (thôn Đắk Á, xã Bù Gia Mập), lớp 11A2 đã vươn lên học giỏi, là tấm gương sáng cho các bạn noi theo. Trang cho biết: Khi em lên lớp 1 (6 tuổi) thì cha đột ngột qua đời vì tai biến mạch máu não. Năm lên lớp 8 (13 tuổi) mẹ cũng theo cha sau nhiều năm chống chọi với bệnh suy thận. Cả cha và mẹ lần lượt qua đời để lại 6 người con thơ dại, sống nương tựa vào nhau trong điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn. Dù vậy, Trang vẫn luôn lạc quan, nỗ lực hết mình trong học tập và rèn luyện. Trước nghị lực vượt khó của nữ sinh mồ côi, từ khi vào lớp 10, Trang được thầy cô, nhà trường dành tặng những món quà, suất học bổng, miễn phí các khoản đóng góp; đồng thời vận động Đồn biên phòng Đắc Ka nhận đỡ đầu, hỗ trợ mỗi tháng 500 ngàn đồng. Đáp lại những tình cảm đó, năm học 2018-2019, ngoài học giỏi toàn diện các môn, em còn xuất sắc đoạt huy chương vàng Olympic 19/5 môn Địa lý lớp 10 cấp tỉnh. Năm học 2019-2020, dù đang là học sinh lớp 11 nhưng Trang được thầy, cô chọn vào đội tuyển ôn luyện, dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa lý lớp 12.

TOP ĐẦU VỀ CHẤT LƯỢNG

Song song với công tác chăm lo học sinh nghèo, khó khăn, Trường THPT Đắk Ơ còn đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt” cho giáo viên, mỗi năm 2 lần; phát động phong trào “Tuần học tốt, tháng học tốt”, “Hoa điểm 10”, “Tuổi trẻ lập thân, lập nghiệp” cho học sinh theo chủ đề, chủ điểm hằng tuần, hằng tháng. Sau mỗi phong trào thi đua đều tổ chức sơ kết, đánh giá và tuyên dương, khen thưởng. Qua đó, đã tạo không khí thi đua sôi nổi trong toàn trường, xuất hiện nhiều thầy cô giáo gương mẫu, học sinh điển hình.

Với nhiều cách làm sáng tạo, ý nghĩa, chất lượng giáo dục tăng cao, học sinh bỏ học giảm mạnh với tỷ lệ những năm gần đây luôn dưới 1%. Đặc biệt, học sinh theo học tại trường ngày càng tăng, cụ thể năm học 2019-2020 trường có 735 em/24 lớp, tăng 52 em so năm học trước. Kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh năm học 2016-2017, trường có 11 giải thì năm học 2017-2018 nâng lên gấp đôi (22 giải), đứng thứ 8 toàn tỉnh. Kỳ thi học sinh giỏi năm học 2018-2019 và 2019-2020, trường tiếp tục đứng thứ 8 toàn tỉnh nhưng số giải năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm học 2018-2019 đạt 23 giải (tăng 1 giải), gồm 3 giải nhì, 12 giải ba và 8 giải khuyến khích; năm học 2019-2020 đạt 30 giải (tăng 7 giải), gồm 1 giải nhất, 1 giải nhì, 14 giải ba và 14 giải khuyến khích. Kỳ thi THPT quốc gia, trường có tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn bình quân chung của tỉnh. Trong đó, kỳ thi năm 2019, trường có 3 em điểm thi đại học trên 25, gồm: Phạm Võ Anh Thư, lớp 12A2, đạt tổng 25,5 điểm khối C, đậu Trường đại học Sư phạm 1 Hà Nội; Nguyễn Thị Thanh Hằng, đạt tổng 25,75 điểm khối C, đậu Trường đại học Luật TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Văn Quang, lớp 12A1, đạt tổng 25,25 điểm khối A, đậu Trường đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh.

Trường có 66 giáo viên đứng lớp, năm học 2017-2018 có 25 giáo viên dạy giỏi cấp trường, 6 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; đến năm học 2018-2019, giáo viên dạy giỏi cấp trường nâng lên 35 người, 7 giáo viên được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen, 2 giáo viên được đề nghị Bộ GD-ĐT tặng bằng khen. Tập thể trường 2 năm liền 2017-2018 và 2018-2019 đạt danh hiệu lao động xuất sắc, trong đó năm học 2017-2018 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen, năm học 2018-2019 được UBND tỉnh tặng cờ thi đua do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, công tác được giao. Chi bộ 2 năm liền đạt trong sạch vững mạnh và vững mạnh tiêu biểu; các đoàn thể trường đều đạt vững mạnh, vững mạnh xuất sắc, được các cấp khen thưởng.

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
89063

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu