Thứ 5, 25/04/2024 20:11:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:01, 01/07/2015 GMT+7

Bù Gia Mập gắn quy hoạch đất với giải quyết di dân, bảo vệ rừng

Thứ 4, 01/07/2015 | 13:01:00 2,378 lượt xem

BP - Khi được chia tách từ huyện Phước Long năm 2009, huyện Bù Gia Mập có diện tích 173.612,94 ha, số dân 153.515 người, trong đó 21,85% là đồng bào dân tộc thiểu số và là huyện đa dân tộc, đa tôn giáo. Có 2/18 xã (Bù Gia Mập, Đắk Ơ) giáp Campuchia với chiều dài trên 60km đường biên giới. Hạ tầng yếu kém, đời sống nhân dân khó khăn, trên địa bàn còn diện tích rừng nguyên sinh nên tình trạng di dân tự do đến lấn chiếm đất rừng diễn ra rất phức tạp. Từ thực tiễn đó, sau Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015, Huyện ủy Bù Gia Mập đã ban hành nghị quyết chuyên đề về quy hoạch đất gắn với giải quyết vấn đề ổn định dân di cư tự do, bảo vệ rừng.

TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG

Để cán bộ, nhân dân đồng lòng tham gia thực hiện nghị quyết, Huyện ủy đã chỉ đạo tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực đất đai, quản lý bảo vệ rừng. Ban Tuyên giáo Huyện ủy tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ tại các xã Phú Văn, Phú Nghĩa, Bù Gia Mập, Đắk Ơ. Đài Truyền thanh huyện và các xã phổ biến Luật Bảo vệ, phát triển rừng. Hạt Kiểm lâm phối hợp Huyện đoàn tổ chức hội thi Đội thanh niên tuyên truyền công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ động vật hoang dã, phòng - chữa cháy rừng... Nhờ đó, nhận thức của cán bộ, nhân dân về bảo vệ rừng được nâng lên. Hiện tỷ lệ che phủ đất trên địa bàn huyện đạt 68,97%. Số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng giảm, các hành vi vi phạm được xử lý nghiêm, các cơ quan quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp được kiện toàn. Ở cấp huyện thành lập Ban chỉ đạo bảo vệ rừng do Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban cùng 22 thành viên là lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành cấp huyện, các đồn biên phòng và chủ tịch UBND các xã có rừng.

Kiểm lâm Bù Đốp tuần tra rừng - Ảnh: Hải Châu

Huyện ủy cũng chỉ đạo thành lập Ban bảo vệ rừng ở 4 xã có rừng; phân công thành viên trong Ban chỉ đạo cấp huyện phụ trách những địa bàn trọng điểm; Chỉ đạo UBND huyện, Hạt Kiểm lâm tham mưu xây dựng phương án bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. Hàng năm, UBND huyện lấy phương án đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt làm kế hoạch gốc để xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng.

THU HỒI ĐẤT XÂM CANH, XỬ LÝ NGHIÊM CÁC VI PHẠM QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG

Từ năm 2011 đến nay (sau khi có nghị quyết), đoàn công tác liên ngành của huyện đã tuần tra, truy quét bảo vệ rừng được 21 đợt trên địa bàn huyện và khu vực giáp ranh. Tính đến hết năm 2014, trên địa bàn huyện đã xảy ra 453 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Trong đó phải truy cứu trách nhiệm hình sự 3 vụ và 17 vụ chuyển từ năm 2010 sang. Tổng số tiền phạt và thu từ bán lâm sản bắt giữ đã nộp ngân sách hơn 2,2 tỷ đồng.

Từ tháng 8-2011, thực hiện Kế hoạch số 97/KH-UBND của UBND tỉnh về việc thu hồi diện tích rừng khoanh nuôi và diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trong các dự án để tạo quỹ đất an sinh xã hội, Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện ban hành Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 22-2-2012 để cụ thể hóa kế hoạch của UBND tỉnh nhằm tạo quỹ đất an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Theo đó, diện tích rừng khoanh nuôi các dự án đang quản lý, đề nghị thu hồi giao trả cho Công ty TNHH MTV cao su Phước Long quản lý, bảo vệ là 116,59 ha; Diện tích đất lâm nghiệp bị xâm canh, lấn chiếm trái phép là 621,66 ha.

GẮN QUY HOẠCH, SỬ DỤNG ĐẤT VỚI GIẢI QUYẾT DI DÂN TỰ DO

Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, UBND huyện đã lập dự án quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 của huyện Bù Gia Mập và 18 xã. Để phục vụ công tác lập quy hoạch, trước hết huyện tập trung điều tra cơ bản dân di cư tự do đến huyện giai đoạn 1998-2004, bởi hầu hết số dân di cư trong giai đoạn 1998 trở về trước đã có đất sản xuất và nhà ở ổn định. Năm 2005-2006, nhà nước tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất rừng bị lấn chiếm, theo đó số dân di cư tự do đến địa bàn 4 xã: Bù Gia Mập, Đắk Ơ, Phú Văn, Phú Nghĩa giai đoạn 1998-2004 là 880 hộ.

Qua hơn 4 năm thực hiện nghị quyết về quy hoạch đất gắn với giải quyết vấn đề ổn định dân di cư tự do, bảo vệ rừng, Bù Gia Mập đã cơ bản cải thiện được tình hình. Công tác lập quy hoạch sử dụng đất huyện Bù Gia Mập và các xã giai đoạn 2011-2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) đã hoàn thành. Dự án di dời và ổn định dân di cư tự do trong lâm phần BQLRPH Đắk Mai cơ bản thực hiện xong. Dự án ổn định dân di cư tự do trong lâm phần BQLRPH Bù Gia Phúc đã thực hiện xong hệ thống đường giao thông liên vùng và đường nội bộ khu tái định cư cũng như hệ thống đường điện. Tình trạng dân di cư tự do vào lâm phần đã được ngăn chặn kịp thời. Nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng cơ bản đã được giải quyết. Đáng nói là nhận thức của nhân dân được nâng lên nhiều so với trước nên công tác quản lý, bảo vệ rừng đã thực sự mang lại hiệu quả. Đó là thành công của một nghị quyết xuất phát từ thực tiễn, phù hợp với thực tiễn.

Đồng chí Trần Quang Ty, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập

Để từng bước giải quyết vấn đề di dân tự do, huyện đã triển khai 4 dự án liên quan gồm: dự án di dời và ổn định dân di cư tự do trong lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Đắk Mai (Dự án 193); Dự án hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Đắk Ơ (Dự án 33); Dự án ổn định dân di cư tự do trong lâm phần BQLRPH Bù Gia Phúc và Dự án hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Đắk Ơ. Đây là các dự án có sự đầu tư, hỗ trợ quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy.

Ngoài 4 dự án nói trên, UBND huyện đã trình UBND tỉnh Dự án cấp đất sản xuất cho đồng bào DTTS và các hộ thiếu đất sản xuất tại Khoảnh 1, Tiểu khu 42, Nông - lâm trường Đắk Mai. Đồng thời tập trung rà soát cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) trên địa bàn huyện, trong đó tập trung thực hiện ở các vùng có dự án quản lý, bảo vệ rừng. Hiện các hộ được giao đất tái định canh tại các dự án cơ bản đã tổ chức sản xuất, ổn định đời sống. Riêng đất tái định cư còn nhiều hộ đã nhận đất nhưng chưa sử dụng (tại BQLRPH Bù Gia Phúc) do còn một số vướng mắc nên chưa cấp được GCNQSDĐ.

Với Chương trình 134, diện tích đất thu hồi là 637,67 ha, trong đó BQLRPH Bù Gia Phúc 392,39 ha. Toàn bộ diện tích này đã giao Công ty TNHH MTV cao su Phước Long quản lý theo quyết định của UBND tỉnh nên huyện chưa thể cấp GCNQSDĐ. Nông - lâm trường Đắk Ơ có 150,6 ha, trong đó 163 hộ với diện tích 146 ha thuộc 3 xã: Long Hà, Phước Tân, Phú Riềng đã liên kết trồng cao su với Công ty cổ phần đầu tư xây dựng cao su Phú Thịnh. Hiện cao su đã đưa vào khai thác năm thứ 3. UBND huyện cũng đã lập xong hồ sơ cấp GCNQSDĐ, chờ chủ trương của tỉnh. Còn với các dự án 33, 193 do quỹ đất quy hoạch thuộc đất lâm phần, chưa chuyển giao về cho địa phương quản lý nên chưa thể cấp GCNQSDĐ cho các hộ được thụ hưởng.

L.T

  • Từ khóa
13355

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu