Thứ 7, 20/04/2024 10:51:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 13:29, 23/04/2014 GMT+7

Bù Đốp ứng dụng hiệu quả khoa học và công nghệ

Thứ 4, 23/04/2014 | 13:29:00 105 lượt xem

Những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) trên địa bàn huyện Bù Đốp đã có những chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. KH&CN đã góp phần tăng năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.


NHỮNG ỨNG DỤNG HIỆU QUẢ CHO NÔNG DÂN

Mô hình trồng dưa leo bằng phương pháp an toàn là một trong 3 mô hình hiệu quả do Phòng kinh tế - hạ tầng phối hợp Trạm Bảo vệ thực vật huyện Bù Đốp triển khai trong năm 2013. Mô hình áp dụng quy trình khép kín, không sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu do ông Vũ Bá Uẩn ở ấp Tân Nhân, xã Tân Tiến thực hiện. Ông Uẩn đã sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc dẫn diệt sâu bọ sinh học theo phương pháp mới. Những chai nhựa đã bôi thuốc dẫn dụ được ông Uẩn treo xung quanh vườn dưa leo, từ đó sâu bọ hại sẽ bị thu hút và dính vào chai. Ông Uẩn cho biết: Trung bình 1 sào dưa leo Thái thu hoạch từ 3 đến 5 tấn trái/vụ, tùy theo công chăm sóc. Với giá dao động 5.000-8.000 đồng/kg như hiện nay, một vụ dưa leo thu được 25-40 triệu đồng.

Ông Vũ Bá Uẩn giới thiệu mô hình trồng dưa leo an toàn

Anh Trần Minh Phúc, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Bù Đốp cho biết: Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật xây dựng mô hình trồng dưa leo theo hướng an toàn, trạm đã hoàn thành mô hình với diện tích 1 ha trên địa bàn các xã Tân Tiến, Thanh Hòa và Thiện Hưng, năng suất đạt 30 tấn/ha, giảm được 25% giá thành so với phương pháp sản xuất truyền thống.

Tiêu biểu trong ứng dụng KH&CN ở Bù Đốp là đã hỗ trợ nghiên cứu thành công máy vặt hạt điều với công suất 300 kg/giờ, giúp giải phóng sức lao động, tăng năng suất và chất lượng cho ngành chế biến hạt điều. Mô hình do anh Ngô Ngọc Quang ở xã Tân Thành thực hiện. Anh Quang cho biết: Từ năm 2010 đến nay, tôi đã sản xuất và bán ra thị trường 50 máy. Thành tựu trên không những áp dụng trên các vườn điều của huyện Bù Đốp mà toàn tỉnh Bình Phước và một số tỉnh miền Đông Nam bộ, khu vực Tây nguyên, góp phần tăng lợi nhuận cho người trồng điều.


CẦN ĐỊNH HƯỚNG CỤ THỂ

Đến nay, các cơ quan, đơn vị ở huyện Bù Đốp đã tổ chức 5 lớp tập huấn về sử dụng và khai thác internet, đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin cho nông dân trên địa bàn huyện. Qua đó có 150 người được tập huấn về cách sản xuất rau an toàn theo hướng VIETGAP tại các vùng trồng rau trên địa bàn huyện; 17 lớp về kỹ thuật, hướng dẫn quy trình tổng hợp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại vườn điều, vườn cao su theo hướng GAP; xây dựng 3 mô hình ứng dụng khoa học - kỹ thuật bằng biện pháp canh tác và ứng dụng chất sinh trưởng Gibberellin trên cây điều tại các xã Thanh Hòa, Tân Tiến và thị trấn Thanh Bình với quy mô 3 ha. Kết quả, năng suất trung bình các hộ trồng điều tham gia đạt 2 tấn/ha, cao hơn nhiều so năng suất trung bình trong toàn huyện (1,3 tấn/ha). Ngành chức năng còn chuyển giao 2 giống lúa OMCS94 và VNĐ 95-20 do Viện Khoa học - Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cung cấp; hỗ trợ xây dựng 2 mô hình biogas trong trại chăn nuôi heo có quy mô 100-200 con, cung cấp lượng khí gas phục vụ đun nấu thức ăn, giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi heo và mang lại kết quả tốt.

Về định hướng phát triển KH&CN, ông Đặng Thế Nhàn, Phó chủ tịch UBND huyện Bù Đốp cho biết: Tuy đã có một số đề tài, dự án được thực hiện ở huyện cũng như trong tỉnh, song nội dung nghiên cứu để đẩy mạnh hoạt động KH&CN chưa được đề cập trong một đề tài cụ thể nào. Chính vì thế, UBND huyện yêu cầu Phòng kỹ thuật - hạ tầng tham mưu các giải pháp phát triển KH&CN trong thời gian tới như: Tiếp tục hỗ trợ chuyển giao các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế; hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới, tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chế biến nông - lâm sản; phối hợp hiệu quả với hệ thống khuyến nông cơ sở để nắm bắt thông tin sản xuất nông nghiệp, từ đó tuyên truyền, phổ biến kịp thời cho người dân; phối hợp Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng triển khai các hoạt động quản lý về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Chú trọng quản lý chất lượng hàng hóa, nhất là hàng hóa đóng gói sẵn, hạn chế và tiến tới không để xảy ra tình trạng hàng không đảm bảo chất lượng lưu thông trên địa bàn. Đồng thời phối hợp Sở KH&CN tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kế toán - tài chính KH&CN, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, quản lý nhà nước về KH&CN... để nâng cao năng lực quản lý KH&CN ở cấp xã, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Có cơ chế khuyến khích, ưu tiên phát triển KH&CN (chuyển giao ứng dụng) ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; có cơ chế tài chính phù hợp để phát triển KH&CN.

Nguyễn Văn Phong

  • Từ khóa
37366

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu