Thứ 6, 19/04/2024 02:29:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:10, 30/04/2017 GMT+7

Bù Đốp: Nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS

Chủ nhật, 30/04/2017 | 08:10:00 158 lượt xem
BP - Thời gian qua, huyện Bù Đốp đã thực hiện nhiều chính sách chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Qua đó, khơi dậy tinh thần đoàn kết, phát huy bản sắc văn hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng DTTS ngày càng phát triển, trong đó có đồng bào Khơme.

Ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến hiện có 362 hộ, trong đó 75 hộ đồng bào Khơme. Phần đông bà con sinh sống đan xen với người Kinh, tạo mối quan hệ hài hòa trong đời sống dân cư. Với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với giảm nghèo, đặc biệt là nâng cao đời sống đồng bào DTTS, huyện Bù Đốp đã thực hiện nhiều giải pháp như tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu (điện, đường, trường, trạm) góp phần đổi thay diện mạo nông thôn; chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chính sách 135, 755... về hỗ trợ nông cụ, vay vốn, nhà ở, cấp đất sản xuất, cây - con giống tạo sinh kế cho người dân. Ông Điểu Lâm Cách, Chủ tịch Hội đồng già làng xã Tân Tiến cho biết: “Năm 1975, có 3 hộ đồng bào Khơme từ tỉnh Sóc Trăng đến ấp Sóc Nê sinh sống, sau giải phóng thấy khu vực này đất đai màu mỡ, dân cư thưa thớt, bà con chuyển lên ngày càng nhiều. Đến nay, cả ấp có trên 70 hộ, lúc đầu kinh tế rất khó khăn, nhờ được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước đời sống bà con ngày càng ổn định”.

Lãnh đạo huyện thăm, tặng quà đồng bào Khơme ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến

Anh Lâm NienR Chanh Tha (1983) là hộ nghèo của ấp, gia đình chỉ có hơn 2 sào ruộng trồng 1 vụ lúa/năm nên không đủ ăn. Không nghề nghiệp ổn định, anh phải đi làm thuê kiếm tiền nuôi cả gia đình 4 người. Năm 2005, gia đình anh được Nhà nước hỗ trợ 5 sào đất trồng điều, năm sau được hỗ trợ thêm 1 con bò sinh sản. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước và nỗ lực của gia đình, đến nay anh Chanh Tha đã tự làm chủ trên mảnh đất của mình, có của ăn của để nuôi 2 con ăn học.

Bên cạnh đó, huyện Bù Đốp còn thường xuyên hướng dẫn đồng bào Khơme chuyển dịch cây trồng, vật nuôi theo hướng đa canh, đa con, có giá trị kinh tế cao. Trước đây chỉ độc canh cây lúa, nuôi gà, vịt làm thức ăn hằng ngày thì nay bà con đã biết trồng các loại cây công nghiệp thế mạnh của địa phương như điều, hồ tiêu, cao su; chăn nuôi bò, dê, heo... Ông Phạm Công Thành, Trưởng ấp Sóc Nê nói: “Hiện địa bàn ấp có trên 50% hộ đồng bào Khơme có hồ tiêu, 90% có cây điều, ngoài ra còn thâm canh thêm cao su và lúa nước. Tổng đàn gia súc, gia cầm trên 1.500 con, trong đó 30% của đồng bào Khơme. Nhìn chung đồng bào Khơme tích cực làm ăn, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp để nâng cao thu nhập”.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của ấp Sóc Nê trên 20 triệu đồng/năm, tăng gần gấp đôi so với năm 2009. Hệ thống giao thông nơi có đông đồng bào Khơme được đầu tư xây dựng và sửa chữa; tỷ lệ hộ sử dụng điện hiện đạt 95%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt trên 96%. Đồng bào Khơme cơ bản đều có đất ở và nhà ở, không có nhà tranh tre dột nát.

Hiện huyện Bù Đốp vẫn còn một bộ phận không nhỏ đồng bào trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, ảnh hưởng lớn đến kết quả giảm nghèo của địa bàn. Theo thống kê đến tháng 3-2017, Bù Đốp có 1.195 hộ nghèo, chiếm 8,46%/tổng số hộ trên toàn huyện, trong đó số hộ nghèo DTTS 31,38% (theo chuẩn nghèo đa chiều). Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện Bù Đốp cho biết: Sắp tới, huyện tiếp tục đầu tư phát triển những mô hình kinh tế có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS; tập trung cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa; tăng cường bồi dưỡng kiến thức khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh dạy nghề cho thanh niên đồng bào DTTS. Đồng thời chăm lo giáo dục, nâng cao trình độ dân trí, chất lượng khám, chữa bệnh, các dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khỏe của đồng bào.

Đức Trung

  • Từ khóa
58397

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu