Thứ 6, 29/03/2024 08:24:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:53, 01/08/2014 GMT+7

BÙ ĐỐP: Học sinh bỏ học còn cao

Thứ 6, 01/08/2014 | 08:53:00 391 lượt xem
BP - Theo thống kê, năm học 2013-2014, bậc THCS ở huyện Bù Đốp có 74/2.990 học sinh bỏ học, chiếm 2,47%. Mặc dù tỷ lệ học sinh bỏ học giảm 2,03% so năm học 2012-2013, song chưa đạt chỉ tiêu Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) giao.

Một số trường có tỷ lệ học sinh bỏ học cao như: THCS Tân Thành 32 em, THCS Bù Đốp 15, THCS Hưng Phước 11... thấp nhất là THCS Phước Thiện 3, THCS Thanh Hòa 4 em.

NHIỀU LÝ DO BỎ HỌC

Thầy Nguyễn Hồng Thi, Hiệu phó trường THCS Tân Thành cho biết, học sinh bỏ học có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do hoàn cảnh khó khăn nên phụ huynh không quan tâm đến việc học của các em. Một số em ham chơi nên học lực yếu dẫn đến chán học.

Trường THCS Tân Thành trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó năm học 2013-2014

 
Được cán bộ phụ trách phổ cập giáo dục xã dẫn đường, chúng tôi đến gia đình anh Mai Văn Phúc, ngụ ấp Tân Phong, xã Tân Thành có con là Mai Văn Lành (15 tuổi) vừa bỏ học. Anh Phúc cho biết: “Các thầy cô đã nhiều lần đến vận động và giảm các khoản đóng góp, nhưng cháu vẫn bỏ học để đi làm thuê phụ gia đình”.

Nằm ngay trên trục đường nhựa, cách trường học khoảng 1km nhưng em Nguyễn Văn Đặng (16 tuổi) vẫn phải bỏ học vì hoàn cảnh quá khó khăn. Trong căn nhà dựng tạm trống trước hổng sau, anh Nguyễn Văn Chí (bố Đặng) cho biết, vợ chồng anh đều bị bệnh không làm được việc nặng nên thu nhập thấp. Lấy nhau gần 20 năm nhưng đến nay vợ chồng anh vẫn chưa mua được đất ở, hiện đang mượn đất của mẹ vợ ở tạm. Theo lời anh Chí thì em Đặng ham học từ nhỏ, do hoàn cảnh gia đình nên em vừa học vừa đi làm mướn. Không được kèm cặp, học thêm như các bạn cùng trang lứa nên em Đặng học yếu dần rồi bỏ học từ giữa năm lớp 8.

Khác với gia đình anh Phúc, anh Chí, gia đình chị Nguyễn Thị Ly, ngụ ấp Tân Phú (trung tâm chợ Tân Thành) có kinh tế khá nhưng con chị là Hồ Thanh Sang (16 tuổi) vẫn bỏ học từ lớp 6. Chị Ly cho biết, gia đình luôn tạo điều kiện cho con ăn học, nhưng Sang ham chơi, lười học, có hôm đi thâu đêm mới về rồi dẫn tới chán học và bỏ học. “Vào đầu năm học vừa qua, các thầy cô giáo đã đến nhà vận động Sang trở lại lớp, nhưng được ít hôm đâu lại vào đấy” - chị Ly cho hay.

Nguyên nhân nhiều học sinh bỏ học ở trường THCS Bù Đốp (xã Thiện Hưng) cũng tương tự. Thầy Huỳnh Thái Sơn, Hiệu trưởng cho biết, học sinh bỏ học nhiều là do xa nhà, giao thông đi lại khó khăn. Mặt khác, do hoàn cảnh gia đình nên phụ huynh không quan tâm đến việc học của con, thậm chí nhiều phụ huynh không hợp tác với trường nên khi các em nghỉ học rất khó vận động trở lại lớp.

VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP

Là ngôi trường ở xã khó khăn, cơ sở vật chất thiếu, nhờ thực hiện nhiều giải pháp phù hợp nên THCS Phước Thiện có tỷ học sinh bỏ học thấp. Cô Hoàng Thị Quýt, Hiệu trưởng cho rằng, để giảm tỷ lệ học sinh bỏ học thì phải đặt chữ “phòng” lên đầu. Ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm phải báo cáo tình hình học sinh của lớp để kịp thời ngăn chặn học sinh bỏ học. Những học sinh có biểu hiện lơ là, ham chơi, giáo viên chủ động thăm hỏi, động viên, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các em để khắc phục. Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giáo viên đến tận nhà tìm hiểu, sau đó vận động quyên góp hỗ trợ. Năm học vừa qua, trường đã vận động được 2 chiếc xe đạp, quyên góp hàng trăm kilôgam gạo hỗ trợ học sinh nghèo, tuyên truyền vận động để phụ huynh hiểu và phối hợp với trường vận động con em trở lại lớp. Bên cạnh đó, quan tâm đến việc đổi mới phương pháp dạy học, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực... Với những giải pháp trên, năm học 2013-2014, trường có 3/236 học sinh bỏ học, giảm 2 em so năm học trước, chất lượng giáo dục luôn đứng tốp đầu huyện.

Vùng tuyển sinh của trường THCS Thanh Hòa chủ yếu là khó khăn, bởi phần lớn gia đình có điều kiện cho học sinh theo học ở trường trung tâm huyện, song nhờ thực hiện nhiều giải pháp phù hợp mà tỷ lệ học sinh bỏ học giảm. Thầy Nguyễn Văn Hảo, Hiệu trưởng cho biết: Để giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, trường phân công giáo viên chủ nhiệm phối hợp cán bộ chuyên trách phổ cập theo dõi, kịp thời nắm bắt điều kiện từng học sinh, báo cáo lên ban giám hiệu, đại diện cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương để tìm cách tháo gỡ. Đại diện cha mẹ học sinh của trường, lớp phải là trưởng thôn, bí thư chi bộ hoặc cán bộ, đảng viên có uy tín để tiện cho công tác nắm bắt thông tin, tuyên truyền, vận động. Riêng năm học vừa qua, trường đã vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ các vật phẩm tặng học sinh với tổng kinh phí 16 triệu đồng. Năm học 2013-2014, trường có 4/211 học sinh bỏ học, chiếm 1,9%, giảm 3 em so năm học trước.

Theo thầy Nguyễn Hữu Nhuận, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Bù Đốp, để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, ngoài các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ngành giáo dục huyện còn tranh thủ các suất học bổng tặng học sinh nghèo, học sinh có nguy cơ bỏ học; chỉ đạo các trường lập hũ gạo tình thương, quyên góp tiền, quần áo, sách vở, xe đạp… tặng học sinh nghèo, khó khăn. Khi vận động học sinh đến lớp, các trường tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng những kiến thức đã hổng để các em theo kịp chương trình.       

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
84445

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu