Thứ 5, 25/04/2024 13:49:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:58, 28/02/2016 GMT+7

Bù Đốp đối mặt với nắng hạn - Bài cuối

Chủ nhật, 28/02/2016 | 14:58:00 247 lượt xem

>> Bù Đốp đối mặt với nắng hạn - Bài 1

GIẢI PHÁP NÀO CHỐNG HẠN?

“Nóng bỏng nhất là tại trung tâm hành chính huyện hiện đã chạm ngưỡng thiếu nước sinh hoạt. Trước tết, một số hộ thuộc 2 xã Hưng Phước, Phước Thiện đã cắt lúa cho bò ăn vì khô cháy. Cả 7 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bù Đốp đang lâm vào cơn khát vì thiếu nước sinh hoạt và nước tưới. Nếu một tháng nữa không có mưa thì diện tích cây trồng bị thiệt hại do nắng hạn là rất lớn” - ông Đoàn Mạnh Quang, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Bù Đốp cho biết.

CẢ HUYỆN TRONG CƠN KHÁT

Nguyên nhân thiếu nước tưới cho cây trồng do người dân bất chấp những khuyến cáo của cơ quan chức năng để chạy theo giá trị kinh tế của cây trồng hiện tại. Đơn cử cho việc này chính là sức hút của cây tiêu. Trong năm 2015, diện tích hồ tiêu tại huyện Bù Đốp đã tăng 368 ha, nâng tổng diện tích toàn huyện lên 3.152 ha. Đây là loại cây trồng rất cần nước tưới nhưng vì sức hấp dẫn của giá hồ tiêu trên thị trường trong những năm qua tăng vọt khiến người người, nhà nhà đổ xô trồng loại cây này. Ông Huỳnh Thanh Vũ, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bù Đốp cho biết: Diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện những năm qua có tăng nhưng vẫn nằm trong quy hoạch chung của ngành đến năm 2020. Ngay từ đầu tháng 9, Phòng NN&PTNT đã khuyến cáo người dân không nên trồng lúa ở vùng có nguy cơ thiếu nước. Với hồ tiêu, phòng cũng khuyến cáo người dân nên tập trung tưới tiết kiệm, kéo dài khoảng cách mỗi lần tưới, tủ gốc, hái sớm để chống hạn. Những vùng có nguy cơ thiếu nước thì chuyển đổi các loại cây trồng ít cần nước tưới. Ngay từ cuộc họp đầu xuân Bính Thân, Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung giúp dân chống hạn. Thế nhưng, tình hình hạn hán trên địa bàn huyện vẫn đang diễn biến phức tạp. Trong số 3.152 ha hồ tiêu, hiện có đến 1.223 ha thiếu nước tưới.

Ông Nguyễn Văn Thơm có nước tưới cho vườn bí xanh giữa mùa khô nhờ mô hình tưới tiết kiệmÔng Nguyễn Văn Thơm có nước tưới cho vườn bí xanh giữa mùa khô nhờ mô hình tưới tiết kiệm

Nhà máy cấp nước sinh hoạt được xây dựng và hoàn thành trong năm 2015 nhằm cung cấp nước cho người dân thị trấn Thanh Bình và các cơ quan nằm trong trung tâm hành chính huyện. Thế nhưng đến nay, nhà máy vẫn chưa hoạt động. Nguyên nhân do công trình thủy lợi sau hồ Cần Đơn chưa hoàn thành. “Hệ thống kênh, mương thuộc công trình thủy lợi sau Cần Đơn chưa hoạt động đối với Bù Đốp còn đau hơn đau cột sống lưng” - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bù Đốp Huỳnh Thanh Vũ ví von.

ĐÁP ÁN CHỐNG HẠN

Trong lúc hàng trăm héc ta ruộng lúa ở các xã Thanh Hòa, Thiện Hưng, Hưng Phước bỏ hoang giữa mùa khô thì 1,8 ha đất ruộng của ông Nguyễn Văn Thơm, ấp 2, xã Thanh Hòa vẫn phủ đầy màu xanh của bắp, cà và bí xanh. Ông Thơm cho biết, hằng năm cứ sau vụ lúa, gia đình ông lại chuyển sang trồng hai vụ bắp nếp và một vụ bí xanh. Mỗi vụ ông gieo trồng 5kg bắp giống, trừ chi phí, ông thu 40 triệu đồng/vụ. Cùng với bắp, ông còn trồng bí xanh, cà tím. Giá bí xanh thấp nhất tại vườn cũng được 5.000 đồng/kg, mỗi sào đất trồng cà, bí xanh ít nhất cũng cho 1 tấn, tương đương 5 triệu đồng. Trong khi đó, nguồn nước dành cho tưới bắp, cà chỉ bằng 1/5 nước tưới cho lúa. Nhờ cách làm này mà 1,8 ha đất ruộng của gia đình ông quanh năm có cây trồng xanh tốt. Cùng ấp, gia đình anh Lâm Thanh Bình có 3 sào đất ruộng, sau mỗi vụ lúa, anh lại trồng dưa leo. Mỗi vụ dưa leo giúp gia đình anh có thêm 50 triệu đồng sau khi trồng và thu hoạch chỉ trong 3 tháng. Bất chấp nắng hạn hằng năm, nguồn thu của gia đình anh trên diện tích đất ruộng vẫn đều đặn.

Mặc dù chưa bước vào giai đoạn cao điểm của mùa khô nhưng trên địa bàn huyện Bù Đốp hiện đã có tới 4.057 hộ với 14.917 người đang thiếu nước sinh hoạt. 1.240 ha cây trồng lâu năm cũng đang rơi vào cảnh thiếu nước tưới. Trong 522 ha lúa vụ đông xuân năm 2015-2016, chỉ có 320 ha được gieo trồng nhưng có tới 118 ha chết do thiếu nước. 

Vẫn biết rằng chuyển đổi cây trồng để thích hợp điều kiện nguồn nước trong mùa khô là giải pháp trước mắt nhưng không thể không làm. Biện pháp lâu dài và bền vững cho việc chống hạn trên địa bàn huyện Bù Đốp vẫn phải trông chờ vào dự án công trình thủy lợi sau hồ Cần Đơn. Thế nhưng đến nay đã 10 năm kể từ ngày chính thức thi công, công trình vẫn chưa hoàn thành. Nói như Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bù Đốp, khi công trình này chưa đưa vào hoạt động thì Bù Đốp còn những cơn đau hơn đau cột sống lưng. Điều đó cho thấy vai trò của công trình thủy lợi Cần Đơn có tầm quan trọng như thế nào đối với nông nghiệp của cả huyện Bù Đốp.

Ông Vũ Văn Hiếu, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bù Đốp cho biết: “Tất cả trường hợp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng của công trình thủy lợi sau Cần Đơn đã giải quyết xong. Huyện đã bố trí đất tái định cư và vận động người dân giao trả mặt bằng để thi công. Thế nhưng, từ sau tết đến nay chưa thấy cán bộ của chủ đầu tư công trình đến liên hệ công việc. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ tối đa để công trình sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng. Họ muốn một người thì chúng tôi hỗ trợ một người, họ muốn hai thì chúng tôi có hai. Vậy mà 10 năm nay thay đổi đến 6 chỉ huy nhưng công trình vẫn chưa xong. Từ bí thư, chủ tịch cho đến muôn dân Bù Đốp ngày đêm trông chờ công trình thủy lợi sau Cần Đơn đi vào hoạt động giúp những cánh đồng trên địa bàn huyện không còn hoang hóa vào mùa khô”.

Đông Kiểm

  • Từ khóa
92867

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu