Thứ 4, 24/04/2024 05:34:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:15, 18/12/2018 GMT+7

Bù Đăng phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp

Thứ 3, 18/12/2018 | 06:15:00 1,266 lượt xem
BP - Phát huy thế mạnh về diện tích đất tự nhiên lớn nhất tỉnh (hơn 1.500km2), những năm qua, Bù Đăng ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp; tập trung thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng các loại cây hằng năm khoảng 6.000 ha, cây trồng lâu năm hơn 103.000 ha. Sản xuất nông nghiệp phát triển đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống cho người dân trên địa bàn huyện.

NÂNG CẤP CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

Những năm qua, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi để chủ động năng lực tưới tiêu cho cây trồng và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân luôn được lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm. Trên địa bàn huyện Bù Đăng hiện có 30 công trình thủy lợi. Trong đó, 13 công trình do Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý với diện tích gần 300 ha, 1 trạm bơm tại thôn 4, xã Đăng Hà cùng hệ thống kênh mương dài 17,5km. Và 17 công trình do huyện quản lý với diện tích hơn 87 ha cùng vùng bán ngập thuộc hồ thủy điện Thác Mơ. Hệ thống kênh mương ở Bù Đăng có tổng chiều dài 75km, trong đó đã kiên cố hóa 13km.

Bù Đăng tập trung xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị hạt gạo Đăng Hà

Hồ chứa nước Phú Sơn thuộc xã Phú Sơn được đầu tư xây dựng từ năm 1985. Hồ có diện tích mặt nước hơn 7 ha, chiều dài thân đập 130m, rộng 6m. Qua 33 năm sử dụng, thân đập đã xuống cấp nghiêm trọng. Để đảm bảo an toàn và phục vụ nhu cầu dân sinh, năm 2018, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã cải tạo sửa chữa, nâng cấp các hạng mục như đập chính, đập phụ, tràn xả lũ, cống lấy nước, nhà quản lý và hạng mục phụ trợ. Tổng kinh phí đầu tư hơn 9,2 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ. Công trình sau khi hoàn thành sẽ đảm bảo nguồn nước tưới cho khu vực hạ lưu với diện tích 192 ha và cung cấp nước sinh hoạt cho 185 hộ dân trong vùng. Hồ Bù Môn trên địa bàn thị trấn Đức Phong và xã Đoàn Kết có diện tích 5 ha đang được nâng cấp, sửa chữa để phục vụ cánh đồng Bù Môn 65 ha. Ngoài ra, hồ Bù Môn còn cung cấp nước cho 1,6 ha ao nuôi cá của người dân và nguồn cung cấp nước cho 1.000 hộ dân ở thị trấn Đức Phong.

Ông Nguyễn Huy Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Việc chú trọng đầu tư các công trình thủy lợi đã góp phần mang lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Nhờ đó, Bù Đăng đã có 3.163 ha cây trồng các loại được đảm bảo nguồn nước tưới. Tuy vậy, một số công trình thủy lợi trên địa bàn huyện đang gặp khó trong việc huy động, bố trí nguồn vốn để nâng cấp, sửa chữa. Chúng tôi mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm để huyện có thêm nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi, đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhân dân trong huyện”.

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG

Có tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm trên 95%, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, ít xảy ra những biến động về thời tiết... là những thế mạnh của Bù Đăng so với các địa bàn khác trong tỉnh. Nhờ những lợi thế này, Bù Đăng có tổng diện tích gieo trồng các loại cây hằng năm khoảng 6.000 ha và cây lâu năm hơn 103.000 ha. Trong đó, điều được xem là cây trồng chủ lực với diện tích khoảng 59.000 ha.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của huyện trong thời gian qua gặp không ít khó khăn do giá các mặt hàng nông sản bấp bênh, sâu bệnh hại cây điều có những diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân. Trước tình hình đó, ngoài hỗ trợ nông dân về kỹ thuật chăm sóc cải tạo vườn điều thì việc hỗ trợ bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật... được các ngành chức năng của huyện triển khai đồng bộ. Nhiều chương trình, dự án liên quan đến sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, nhất là chương trình hỗ trợ giống cây điều ghép đã mang lại hiệu quả rõ nét và được người dân đồng tình ủng hộ. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị được lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm với nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành. Điều này đã góp phần giúp các mô hình chuỗi liên kết được định hình và từng bước mang lại hiệu quả tích cực. Đơn cử như Hợp tác xã cây ăn trái và dịch vụ Long An - Minh Hưng ở xã Minh Hưng mang lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất. Được thành lập cuối tháng 11-2017 với 30 hội viên do ông Nguyễn Ngọc Hùng làm Giám đốc, hiện hợp tác xã đã có hơn 60 ha đất trồng sầu riêng. Để hỗ trợ bước đầu cho hợp tác xã, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã mở các lớp hội thảo, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng và chăm sóc cây sầu riêng, hỗ trợ 28 tấn phân hữu cơ vi sinh cho hội viên, chủ động tìm đối tác, đầu ra lâu dài cho sản phẩm. Mùa sầu riêng vừa qua, hợp tác xã thu khoảng 10 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về gần 400 triệu đồng/ha.

Xã Đăng Hà hiện có hơn 1.213 ha chuyên canh lúa nước từ 2-3 vụ mỗi năm. Trong đó, vụ đông xuân gieo trồng 415 ha, vụ mùa trồng 799 ha, với năng suất trung bình từ 6-6,5 tấn/ha. Trước đây, do không có thương hiệu nên không chủ động được đầu ra sản phẩm. Trước tình hình đó, UBND huyện đã đề nghị các ngành hữu quan của tỉnh cải tạo các công trình thủy lợi, trạm bơm để nâng cao hiệu quả tưới, tiêu. Chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác, đầu tư máy sấy lúa và chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm, xúc tiến các thủ tục để xây dựng thương hiệu gạo Đăng Hà.

“Với các lợi thế của mình, Bù Đăng chủ động “đánh thức” tiềm năng để hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế phụ trợ khác phát triển” - ông Nguyễn Huy Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nói.

X.Túc

  • Từ khóa
1483

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu