Thứ 6, 29/03/2024 06:12:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:48, 10/01/2018 GMT+7

Bù Đăng nỗ lực vượt khó

Thứ 4, 10/01/2018 | 14:48:00 2,653 lượt xem
BP - Đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách như: Thời tiết diễn biến thất thường, sâu bệnh hại cây trồng, giá một số mặt hàng nông sản chủ lực xuống thấp; an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp… Tuy nhiên, với những giải pháp điều hành quyết liệt, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở, kinh tế - xã hội ở huyện Bù Đăng đã có nhiều chuyển biến tích cực, là động lực để Bù Đăng thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội năm 2018.

NHIỀU GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN

Năm 2017, thời tiết diễn biến bất thường cùng với sâu, bệnh hại khiến năng suất điều trên địa bàn huyện giảm mạnh, ước thiệt hại khoảng 900 tỷ đồng. Trước tình hình đó, huyện đã tổ chức các lớp tập huấn, triển khai kế hoạch ra quân đồng loạt để cứu cây điều; xây dựng mô hình điểm hỗ trợ chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; tổ chức gặp gỡ nông dân sản xuất giỏi để đưa ra các biện pháp bảo vệ cây điều; đồng thời hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo 1 triệu đồng/hộ để chăm sóc vườn cây. Ngành nông nghiệp huyện đang tập trung hỗ trợ giai đoạn 2 chăm sóc, khôi phục vườn điều. Thời điểm này, đa số diện tích điều bị sâu bệnh phục hồi tốt và có khoảng trên 60% diện tích điều đã ra bông. Nhiều mô hình trồng xen cà phê, hồ tiêu trong vườn điều được người dân áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2017, tình hình sản xuất, chế biến điều trên địa bàn huyện Bù Đăng có nhiều khởi sắc, góp phần tăng thu ngân sách

Năm qua, Trạm Khuyến nông huyện cũng thực hiện 21 mô hình chăm sóc, phòng trị bệnh hại cây điều ở các xã: Đăng Hà, Thống Nhất, Minh Hưng, Bom Bo, Đắk Nhau, Thọ Sơn, Phú Sơn và 5 mô hình trồng bắp lai tại xã Đăng Hà. Nhiều tổ hợp tác được thành lập với quy mô bình quân từ 7-9 thành viên/tổ đã giúp nhau ngày công lao động, khoa học - kỹ thuật, đầu ra sản phẩm.

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) đối với quỹ đất tách ra khỏi lâm phần giao về địa phương quản lý theo quy hoạch 3 loại rừng là vấn đề được người dân quan tâm. Đây cũng là giải pháp nhằm góp phần tăng thu ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Thực hiện nhiệm vụ này, Bù Đăng tập trung chỉ đạo, phối hợp, từng bước tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân. Kết quả, đã giải quyết được 977/1.161 hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu và 118/125 hồ sơ chuyển từ hình thức thuê qua giao đất, nộp ngân sách 17,6 tỷ đồng (vượt thu hơn 7 tỷ đồng so với kế hoạch giao và tăng 2,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016).

Là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đa số người dân sống bằng nghề nông, sâu bệnh hại cây điều đã khiến nhiều nông hộ “rơi” vào khó khăn. Cùng với việc hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, các cấp chính quyền, hội, đoàn thể của huyện đã tổ chức nhiều đợt thăm, tặng quà hộ hoàn cảnh khó khăn, xây tặng 11 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng; tặng 15 căn nhà tình thương, 23 căn nhà theo Chương trình 33 của Chính phủ. Đồng thời phối hợp UBMTTQVN huyện hỗ trợ xây mới 100 căn nhà trao tặng hộ nghèo; thực hiện cứu đói giáp hạt 1.090 hộ với số tiền trên 835 triệu đồng; cấp nông cụ sản xuất, bò giống cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ...

Nhờ vậy, năm 2017, kinh tế - xã hội của huyện có nhiều chuyển biến tích cực, thực hiện đạt và vượt 23/25 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND huyện giao. Trong đó, thu ngân sách 118 tỷ đồng, đạt 124% dự toán điều chỉnh tỉnh giao, bằng 102% so với năm 2016. Toàn huyện giảm 292 hộ nghèo, đạt chỉ tiêu giao. Thực hiện chương trình đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng, trong năm 2017, bằng vốn Nhà nước và nhân dân cùng làm, Bù Đăng đã thực hiện được 39,3km đường điện chiếu sáng, 48km đường giao thông nông thôn. Xã Đức Liễu hoàn thành 19/19 tiêu chí, các xã thực hiện giai đoạn 2 đạt từ 13-15 tiêu chí nông thôn mới.

QUYẾT TÂM TĂNG TRƯỞNG TRONG NĂM 2018

Năm 2018, huyện Bù Đăng phấn đấu duy trì ổn định, tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội với các chỉ tiêu như: Thu ngân sách 174,7 tỷ đồng; có thêm 2 trường đạt chuẩn quốc gia; 1 xã được công nhận nông thôn mới; giải quyết việc làm cho 6.500 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 0,5-1%; giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng 3,5%; công nghiệp - xây dựng tăng 9%; cấp 1.000 giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân...

Trên cơ sở mục tiêu đó, huyện đề ra các giải pháp: Giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho các cơ quan, đơn vị; xây dựng chương trình công tác năm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ngay từ những tháng đầu năm 2018. Tập trung chăm sóc cây điều; thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; xử lý dứt điểm nợ có khả năng thu và không để phát sinh nợ mới; thu hút các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng...

Ông Lê Xuân Nam, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đăng cho rằng, để phát huy lợi thế của huyện nông nghiệp, thời gian tới Bù Đăng sẽ tập trung tái canh những vườn điều già cỗi, xây dựng các mô hình điểm về áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng. Đồng thời tiếp tục đầu tư, sửa chữa các công trình thủy lợi; hình thành vùng sản xuất điều theo tiêu chuẩn Viet  GAP, cánh đồng lúa chất lượng cao ở xã Đăng Hà, củng cố hợp tác xã yếu kém và kiểm soát tốt thị trường cây giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón ở vùng nông thôn.

Để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận QSDĐ, Phó chủ tịch UBND huyện Lê Thanh Hải cho biết, huyện sẽ giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn trên cơ sở thực tế địa bàn chứ không cào bằng. Đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi để phát triển các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hợp tác; tăng cường kiểm tra, xử lý sai phạm trong khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản...

M.Luận

  • Từ khóa
1397

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu