Thứ 5, 28/03/2024 16:24:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:51, 13/06/2019 GMT+7

BOT - “con ngáo ộp” của các thế lực thù địch

Thứ 5, 13/06/2019 | 08:51:00 1,755 lượt xem
BP - Từ khi Hà Văn Nam bị bắt đã khiến phong trào “đánh BOT” như rắn mất đầu. Mặc dù xuất hiện nhiều thông tin kêu gọi, hô hào tiếp tục ủng hộ phong trào “đánh BOT” và gây áp lực đòi trả “tự do” cho Hà Văn Nam, song đều không nhận được sự hưởng ứng từ giới tài xế. Lấy lý do để duy trì “đánh BOT” và đấu tranh đòi “tự do” cho Hà Văn Nam, số đối tượng trong nhóm “đánh BOT” hiện đã công khai xin tiền để có kinh phí hoạt động, chúng tiếp tục rêu rao, xuyên tạc, thổi phồng BOT như một “con ngáo ộp” đáng sợ.

BOT - hình thức kêu gọi vốn đầu tư đúng đắn, hiệu quả

BOT là tên viết tắt tiếng Anh của Build - Operate - Transfer (có nghĩa: xây dựng - vận hành - chuyển giao). Chính phủ có thể kêu gọi các công ty, tập đoàn kinh tế bỏ vốn xây dựng trước (build) thông qua đấu thầu, sau đó khai thác, vận hành một thời gian (operate) rồi chuyển giao (transfer) lại cho nhà nước sở tại. Mô hình này đang hiện hữu tại các quốc gia, vùng lãnh thổ gồm: Pakistan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan, Bahrain, Ả Rập Xê Út, Israel, Ấn Độ, Iran, Croatia, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Ai Cập, Myanmar và một số bang của Hoa Kỳ như California, Florida, Indiana, Texas, Virginia.

Đây là hình thức kêu gọi vốn đầu tư đúng đắn, nhanh chóng, hiệu quả trong điều kiện nguồn lực của nước ta còn hạn chế, chưa đủ để xây dựng các công trình giao thông trọng yếu của đất nước; là hình thức góp vốn chung, cùng khai thác có lợi nguồn tài nguyên đất: Nhà nước có đất nhưng thiếu vốn, nhà đầu tư có vốn, công nghệ nhưng thiếu đất, sau khi hoàn vốn doanh nghiệp sẽ bàn giao công trình lại cho Nhà nước quản lý, sử dụng, khai thác vào mục đích phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Các công trình BOT hiện ở nước ta đều vì mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của quốc gia và quốc kế dân sinh.

Vì sao nói BOT là “con ngáo ộp” của các thế lực thù địch?

Không thể phủ nhận một thực tế đáng buồn là hiện nay, do lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, sự thoái hóa biến chất về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống nên một bộ phận cán bộ có chức, có quyền ở địa phương đã liên kết, “đi đêm” với các doanh nghiệp. Rồi từ đó nhắm mắt làm ngơ để các doanh nghiệp này “mặc sức tung hoành”, tự ý đặt điểm thu phí BOT tại những vị trí không phù hợp nhằm mục đích đen tối “một vốn ăn bốn lời”, gây bức xúc cho nhân dân.

Hiện nay, tham gia đấu thầu, xây dựng các công trình BOT giao thông, ngoài các doanh nghiệp trong nước, còn có các tập đoàn, tổng công ty nước ngoài. Đây là lý do để các thế lực thù địch, phản động thổi phồng chuyện nợ công quốc gia, đánh đồng giữa BOT và nợ công, tô đen, bôi vẽ BOT như một “con ngáo ộp” đáng sợ, gây tâm lý hoang mang, lo sợ, thậm chí bất bình trong nhân dân.

Thực tế, phản đối các công trình BOT hiện nay chủ yếu là những kẻ “ăn không ngồi rồi”, bọn “chim mồi” được thuê mướn, mua chuộc để gây rối, kích động nhân dân phản đối BOT mà tuyệt nhiên chưa thấy nhân dân địa phương nơi có công trình BOT đi qua hoặc những tài xế làm ăn chân chính. Điển hình những kẻ chuyên “đâm bì thóc, chọc bì gạo”, “kiếm cơm bằng nghề thưa kiện” này là Hà Văn Nam và “Huệ Như”. “Huệ Như” tên thật là Đặng Thị Huệ, sinh năm 1981, trú thôn Bách, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Người phụ nữ này từng vay nợ của rất nhiều người, không đủ khả năng chi trả, từng bị Tòa án nhân dân huyện Vũ Thư tuyên phạt 2 năm tù treo, 4 năm thử thách về tội danh “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác”. Theo chính “Huệ Như” chia sẻ thì bà ta không hề có lợi ích liên quan gì trong chiến dịch “đánh BOT” này, đơn giản vì bà ta không có xe ôtô hay kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, “Huệ Như” rất tích cực viết bài, tung video/clip để hô hào, kích động cánh lái xe, mở tài khoản ngân hàng để tiếp nhận nguồn tiền hỗ trợ từ nước ngoài và một số tài xế quá khích nhằm có tiền trả nợ và trang trải cuộc sống, “đầu tư” cho “hoạt động đánh BOT”.

Trơ trẽn hơn, ngày 9-4-2019, trên trang facebook cá nhân “Huệ Như”, bà ta đã ngả bài ngửa xin tiền khi viết rằng: “5000 anh em yêu quý, mỗi người cho em 100 nghìn vào tài khoản này nhé, em rất thích nhiều tiền. Em đã công khai xin tiền thì em sẽ công khai sử dụng tiền đúng mục đích. Em lấy tài khoản này là để sau khi có tiền, anh Nguyễn Cường sẽ tổng hợp, công khai sử dụng và chi tiêu cho em sao cho hợp lý và hiệu quả. Rất mong 5000 anh em chung tay giúp em trị bệnh trọng. Số điện thoại của em 0917000689”. Rồi một thời gian sau, bà ta lại lên facebook khoe khoang rằng tài khoản “Huệ Như” đã có 34 triệu. Với bản chất lưu manh, lừa đảo như vậy nhưng “Huệ Như” vẫn cho rằng mình là người đấu tranh thực thụ, tự hào là phụ nữ mà không ngại lên tiếng phản đối BOT để kiếm tiền tài trợ, bố thí.

Cần có nhận thức và hành động đúng đắn, mang tính xây dựng

BOT là cách thức hợp lý, hiệu quả để huy động vốn xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, hiện đại, đáp ứng sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Giao thông là huyết mạch của nền kinh tế quốc gia. Gây rối, phản đối BOT là tự thắt “mạch máu” của nền kinh tế, thiệt hại khôn lường. Không phải mọi công trình BOT đều là sai phạm. Sai phạm ở đây chính là do các tập thể, cá nhân cố ý làm trái chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cần vạch mặt, chỉ tên các tập thể, cá nhân ấy ra ánh sáng, đừng phản đối, chống phá BOT vì như thế là vi phạm pháp luật. Từ BOT để lôi kéo, kích động nhân dân chống đối các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là âm mưu thâm độc, đen tối của các thế lực thù địch, phản động.

Tóm lại, tô đen, bôi vẽ BOT như một “con ngáo ộp” là thủ đoạn không có gì lạ của các thế lực thù địch, phản động đó là: lợi dụng những sai phạm cá biệt của một số tổ chức, cá nhân để rêu rao, lôi kéo người dân chống phá chính quyền, nhằm “một tên trúng hai đích”, vừa có tiền tài trợ từ các cá nhân, tổ chức phản động nước ngoài, vừa lôi kéo, kích động được nhân dân chống phá Đảng và Nhà nước hiện nay. Chúng ta cần tỉnh táo, cảnh giác để không bị chúng dẫn dắt vào con đường vi phạm pháp luật.

Thanh Quang

  • Từ khóa
2848

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu