Thứ 6, 29/03/2024 18:24:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 06:06, 25/04/2015 GMT+7

Bộn bề trăn trở ở Mười Mẫu

Thứ 7, 25/04/2015 | 06:06:00 434 lượt xem
BP - “Với tập quán của người Xêtiêng chúng tôi thì chỉ cần 2 sào đất bưng là cả nhà có lúa ăn quanh năm. Ấp Mười Mẫu hiện có hơn 10 ha đất bưng thuộc Nông lâm trường cao su Bù Đốp đang bỏ hoang. Chúng tôi đã mượn để trồng lúa nhưng nông lâm trường không cho. Người dân ấp Mười Mẫu chỉ mong mượn được đất bưng để giải quyết khó khăn trước mắt” - ông Điểu Re, Chủ tịch Hội đồng già làng xã Phước Thiện (Bù Đốp) phân trần.

MIỀN ĐẤT HỨA

Ấp Mười Mẫu, xã Phước Thiện được hình thành theo Chương trình 134 từ năm 2005 với 220 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất của huyện Bù Đốp. Mỗi hộ được cấp không quá 1 ha, mỗi người không quá 2 sào đất sản xuất.

Cuối năm 2014, ấp Mười Mẫu đã được đầu tư 17,1 tỷ đồng để kéo điện và làm đường

Nằm trong số 220 hộ được hỗ trợ đất sản xuất của huyện Bù Đốp, gia đình ông Điểu Re ở ấp Thiện Cư, xã Thiện Hưng được cấp 7 sào. Toàn bộ diện tích được cấp, gia đình ông trồng cao su. Để giữ vườn cây, năm 2009, gia đình ông chuyển về khu đất sản xuất được cấp thuộc ấp Mười Mẫu để sinh sống. Thấy gia đình ông Điểu Re chuyển đến vùng đất mới sinh sống, các hộ được cấp đất sản xuất tại đây cũng lần lượt kéo đến vùng đất mới định cư. Từ vài ba hộ ban đầu đến cuối năm 2014, khu dự án cấp đất sản xuất tại ấp Mười Mẫu đã có trên 99 hộ định cư lâu dài. Đến bất kỳ gia đình nào, chúng tôi cũng thấy họ nở nụ cười chất phác. Không vui sao được, từ một hộ không có đất sản xuất, giờ làm chủ 7 sào đất trồng cao su, có người làm chủ cả một vườn điều.

Các hộ đầu tư trồng tiêu, bắp, mì xen canh để có cái ăn trong năm. Không chỉ thế, năm 2013, ấp Mười Mẫu còn được đầu tư xây mới 2 phòng học bậc tiểu học, giúp 66 con em là người dân tộc thiểu số đến trường. Cuối năm 2014, ấp Mười Mẫu còn được đầu tư 6km đường điện trung, hạ thế với tổng kinh phí 2,4 tỷ đồng. Chưa hết, 7,5km đường đất đỏ sình lầy dẫn vào ấp năm nào giờ đang được mở rộng và nhựa hóa với tổng kinh phí đầu tư hơn 14,7 tỷ đồng.

NIỀM VUI CHƯA TRỌN

Vườn cao su của gia đình ông Điểu Re đưa vào khai thác đã 2 năm. Nhưng 2 năm qua, giá cao su trên thị trường xuống thấp, 7 sào không đảm bảo đủ cái ăn cho 5 người trong gia đình. Những người trong độ tuổi lao động của gia đình ông phải đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Còn gia đình anh Điểu Gôm mấy tháng nay cứ loay hoay đi tìm nguồn nước tưới cho 300 nọc tiêu. Thậm chí, anh Điểu Gôm còn tìm đến lòng Suối Đá để đào giếng tìm nước nhưng vẫn không đủ tưới.

Anh Điểu Nghếch mơ ước mượn được đất bưng để trồng lúa (ảnh lớn).

Các hộ dân được cấp đất sản xuất không thể thế chấp để vay vốn ngân hàng vì một câu thòng trong sổ (ảnh nhỏ)

Gia đình anh Điểu Phước chỉ biết đứng nhìn 150 nọc tiêu trồng xen trong 5 sào điều chết dần chết mòn vì thiếu nước. Cả gia đình anh Điểu Thúc có đến 10 người cũng chỉ biết trông chờ vào 8 sào đất điều. Mấy hôm nay, vợ anh - chị Điểu Thị Srếch phải tất bật lo chạy gạo từng bữa. Nhìn dáng người lam lũ đầy nắng gió của chị không ai nghĩ rằng chị sinh năm 1971. Căn nhà vách nứa trống trước, hụt sau không có gì đáng giá ngoài những đứa trẻ nheo nhóc.

Chuyện sinh nở ở ấp Mười Mẫu giống như quy luật sinh tồn của tự nhiên. Bình quân mỗi gia đình có ít nhất 3 người con, cá biệt có gia đình đến 8 con. Còn chuyện uống rượu ở ấp Mười Mẫu trong những năm trước thì không ai sánh kịp. Sáng uống, trưa uống, chiều uống và cả tối cũng uống. Chỉ cần có bịch rượu cùng ít lá điều, lá mì là có thể bày được một bữa nhậu.

AI GIẢI QUYẾT ĐƯỢC KHÓ KHĂN CỦA MƯỜI MẪU?

Những trai làng ở ấp Mười Mẫu có tiền cũng uống, không có tiền cũng uống. Hơn 1/2 sản lượng điều của ấp phải đưa đến quán rượu để trả nợ sau mỗi mùa vụ. Bởi cái vòng luẩn quẩn trong men rượu mà nhìn những thanh niên trai tráng trong ấp ai nấy đều nhỏ thó.

Ông Trần Lý, cán bộ phụ trách dân tộc - tôn giáo xã Phước Thiện

Cách đây 2 năm, anh Điểu Nghếch tìm được 1 sào đất bưng để trồng lúa. Nhưng mùa mưa năm trước gia đình anh không thể xuống giống vì cán bộ Nông lâm trường cao su Bù Đốp không cho. Đầu mùa khô năm nay, anh lại vác xà gạc đi tìm đất bưng khác để trồng lúa. Thế nhưng, đi đến đâu cán bộ Nông lâm trường cao su Bù Đốp cũng bảo đất của nông lâm trường nên không cho anh phá bưng trồng lúa.

Theo Chủ tịch Hội đồng già làng xã Phước Thiện, Phó ấp Mười Mẫu Điểu Re, ấp hiện có khoảng 10 ha đất bưng đang bỏ hoang và toàn bộ thuộc Nông lâm trường cao su Bù Đốp quản lý. Các hộ dân tộc thiểu số, nhất là người Xêtiêng đã đến xin cán bộ nông lâm trường cho mượn để trồng lúa nhằm giải quyết khó khăn trước mắt cho bà con nhưng bị từ chối. 99 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang định cư tại ấp Mười Mẫu đều chưa đăng ký hộ khẩu thường trú. Nguyên nhân không thể làm được hộ khẩu do toàn bộ diện tích đất đang ở đều là đất sản xuất. Trong số 99 hộ ở ấp Mười Mẫu thì xã Phước Thiện có 24 hộ và cả 24 hộ đều thuộc diện nghèo. 75 hộ còn lại không ai biết đang ở trong hoàn cảnh nào bởi họ không có hộ khẩu tại địa phương nên chính quyền không thể thống kê.

Mặc dù tất cả các hộ dân ở ấp Mười Mẫu đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa ai thế chấp được sổ để vay vốn đầu tư sản xuất. Lý do không vay được vốn ngân hàng là trong mỗi cuốn sổ đỏ đều có câu: “Không được chuyển nhượng, tặng cho, cầm cố, cho thuê trong vòng 10 năm kể từ ngày Nhà nước giao đất”.

Những khó khăn của người dân ấp Mười Mẫu đã nêu trong bài viết đều nằm trong khả năng giải quyết của chính quyền huyện Bù Đốp.

Đông Kiểm

  • Từ khóa
51411

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu