Thứ 7, 20/04/2024 15:10:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:35, 30/08/2015 GMT+7

Bộn bề khó khăn ở khu tái định cư Đắk Ơ

Chủ nhật, 30/08/2015 | 15:35:00 132 lượt xem
BP - Mặc dù đã vào ở từ năm 2011 nhưng đến nay, 60 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trong khu tái định cư ở đội 1, thôn 10, xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) vẫn phải sống trong tình trạng “4 không”: không điện, không nước sạch, không trường mầm non và không sổ đỏ.


Đường điện đã được kéo từ năm 2013, nhờ trên cột điện quốc phòng nhưng tới nay vẫn chưa đưa vào sử dụng

Điện, nước chỉ để... “ngắm”

Năm 2011, 60 hộ dân ở 2 xã Phú Văn và Bù Gia Mập di dời về khu tái định cư này sinh sống. Nhưng trái với những gì được hứa hẹn, đến nay người dân vẫn phải sống khổ sở vì không điện, nước sạch phục vụ sinh hoạt.

Là chủ một hộ sinh sống trong khu tái định cư, anh Ngô Quốc Khởi cho biết: “Nhiều hộ dân ở đây trồng tiêu, cà phê, nhưng không có điện phải sử dụng máy bơm nước dùng xăng hoặc dầu nên chỉ tưới cầm chừng. Sống trong cảnh đèn dầu nên việc học tập của các cháu khó khăn. Nhất là vào thời điểm nắng nóng. Chúng tôi cũng mù tịt thông tin về đời sống xã hội, bởi muốn mua tivi cũng không điện sử dụng”.

“Không có điện đã khổ, người dân ở đây còn khổ gấp bội vì thiếu nước sạch sinh hoạt. Cả khu tái định cư chỉ có vài hộ đào được giếng. Nhưng giếng chỉ sâu khoảng 12-15m vì vướng đá tảng, không thể đào sâu thêm. Mặc dù nước bị nhiễm phèn nhưng cũng chỉ dùng tiết kiệm chủ yếu để nấu ăn hoặc đun nước uống, còn tắm giặt phải ra suối hoặc hồ nước gần nhà. Mùa khô, nhiều hộ phải đến thôn khác xin nước ăn hằng ngày. Mùa mưa, bà con mua bạt về hứng nước và trữ lại dùng dần. Nhà nào cũng có 1 bể nước khoảng 4-6m3, chứa trong bạt” - anh Khằm Thanh Sơn cho biết.

Anh Lê Văn Trí, Trưởng thôn 10 cho biết: “Không riêng gì các hộ trong khu tái định cư mà cả 263 hộ ở thôn 10 vẫn chưa có điện lưới sử dụng. Nhiều hộ dân góp tiền mua máy phát điện chạy xăng, mỗi tháng phải đóng khoảng 250 ngàn đồng, nhưng cũng chỉ thắp được vài bóng điện nhỏ trong khoảng thời gian từ 18-21 giờ. Hộ khá hơn thì mua trả góp máy phát điện chạy bằng năng lượng mặt trời để thắp sáng. Hơn 4 năm rồi, chúng tôi mòn mỏi chờ điện, nước. Năm 2013, đường điện được kéo nhờ trên cột điện của dự án quốc phòng, đi qua khu tái định cư để giảm chi phí đầu tư, nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa hạ thế. Không có điện đồng nghĩa với công trình cấp nước sạch sinh hoạt cho khu tái định cư được đầu tư hơn 3 tỷ đồng với hệ thống đường ống cung cấp nước đến trước cửa nhà từng hộ dân không thể vận hành, phải chịu cảnh phơi mưa, phơi nắng nên hư hỏng rất nhiều”.

Mòn mỏi chờ sổ đỏ

Khu tái định cư ở đội 1, thôn 10 do UBND huyện quản lý. Trước những khó khăn của bà con, xã cũng đã nhiều lần kiến nghị huyện tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng vì kinh phí hạn hẹp nên chưa thực hiện được các hạng mục còn lại. 

ông Trần Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ

Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền trên đất có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân. Nhưng đến nay, các hộ dân trong khu tái định cư vẫn chưa được cấp sổ đỏ khiến cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn.

Anh Vi Văn Cần, một người dân trong khu cho hay: “Không được cấp sổ đỏ nên gia đình tôi không thể thế chấp vay vốn đầu tư trồng trọt. Hiện 2 vợ chồng chủ yếu làm thuê kiếm sống. Hầu hết bà con chuyển vào khu tái định cư là người dân tộc Tày, Nùng, Xêtiêng không có việc làm ổn định, chủ yếu đi làm thuê cho các hộ có vườn rẫy trong vùng nên thu nhập bấp bênh, nhất là vào mùa mưa. Trong khi muốn đầu tư trồng 1 ha tiêu hoặc cà phê phải mất hàng trăm triệu đồng. Nếu đi vay ngoài với lãi suất cao, bà con không có khả năng trả nợ không khéo lại phải giao vườn cho chủ nợ. Chúng tôi mong chính quyền và ngành chức năng sớm tạo điều kiện cấp sổ đỏ để bà con mang thế chấp ngân hàng vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư phát triển kinh tế”.

“Do điều kiện kinh tế khó khăn nên nhiều gia đình con cái lớn một chút đã phải theo cha mẹ đi làm kiếm tiền, không được đến trường như bao đứa trẻ khác” - anh Lê Văn Trí nói.

Không chỉ thiếu điện, nước phục vụ sinh hoạt, người dân ở đây còn chịu cảnh đường sá xuống cấp, các cháu nhỏ không có trường mầm non... Anh Hoàng Văn Khiêm cho biết: “Khu tái định cư nằm cách xa trung tâm xã hơn 8km. Khổ nhất là các cháu học sinh, mỗi buổi đến lớp qua đoạn đường này áo quần đều lấm lem bùn đất. Con thứ hai của tôi đã 4 tuổi nhưng vì đường xa, đi lại vất vả nên tôi chưa cho cháu đi học mẫu giáo”.

Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn của khu tái định cư, ông Trần Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ nói: “Thời gian tới, xã sẽ tổ chức khảo sát, xem xét cụ thể những vướng mắc, khó khăn của khu tái định cư để tiếp tục kiến nghị cấp có thẩm quyền. Về vấn đề sổ đỏ, do khu tái định cư nằm trong dự án quy hoạch làm khu du lịch sinh thái nên tạm thời chưa thể cấp sổ cho bà con. UBND huyện cũng đã chỉ đạo tiếp tục đo đạc lại diện tích đất của các hộ dân để đến khi có hướng dẫn ở trên sẽ cấp sổ để người dân yên tâm sản xuất, ổn định đời sống.

Hữu Dụng

\

  • Từ khóa
52226

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu